(HNM) - Đến nay, thành phố Hà Nội đã tổ chức 9 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý cho 845 chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Qua lớp học, các học viên được tiếp cận với nhiều chuyên đề bổ ích giúp có thêm kinh nghiệm, kiến thức và năng lực để xử lý tốt các tình huống phát sinh trong quá trình điều hành nhiệm vụ của chính quyền cơ sở.
Rõ chức trách, điều hành hiệu quả
Khoảng 23h45 ngày 13-9-2019, một ngôi nhà liền kề tại Khu đô thị Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông) bị cháy. Ngay khi nhận được tin báo, Chủ tịch UBND phường Phúc La Nguyễn Đức Tiến đã huy động các lực lượng ở cơ sở tổ chức chữa cháy, đồng thời đề nghị sự hỗ trợ của quận.
Đồng chí Nguyễn Đức Tiến cũng có mặt ở hiện trường để trực tiếp chỉ đạo lực lượng cơ sở phối hợp cùng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chữa cháy, sơ tán tài sản, phòng, chống cháy lan, xử lý kịp thời tình huống phát sinh... Nhờ sự tham gia tích cực của các lực lượng nên đến 0h40 ngày 14-9, đám cháy cơ bản được dập tắt, không có thiệt hại về người và không bị cháy lan sang các nhà bên cạnh.
Theo Chủ tịch UBND phường Phúc La Nguyễn Đức Tiến, với những trường hợp khẩn cấp như vậy thì Chủ tịch UBND phường phải có mặt xử lý công việc mới kịp thời, hiệu quả, nhất là trong huy động lực lượng, phương tiện tại cơ sở và phối hợp với các lực lượng của cấp trên.
Đồng chí Nguyễn Đức Tiến là một trong 845 người đã tốt nghiệp lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn do UBND thành phố Hà Nội tổ chức và nhận chứng chỉ loại xuất sắc.
Đồng chí Nguyễn Đức Tiến cho biết thêm: “Qua lớp học, cùng việc được đi thực tế trong và ngoài nước, tôi nhận thức rõ về chức trách, nhiệm vụ của mình. Trong chỉ đạo, điều hành, tôi vận dụng triệt để phương châm “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả), đồng thời tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành”.
Đó chỉ là một ví dụ cho thấy lãnh đạo chính quyền ở cơ sở đã có chuyển biến tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao sau khi tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý dành cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) Trịnh Minh Thủy chia sẻ: “Nhờ được cập nhật kiến thức mới tại lớp học cũng như chủ động tham khảo kinh nghiệm của học viên khác nên tôi thấy vững vàng hơn khi giải quyết đơn thư của công dân. Trước tiên, bản thân phải nắm chắc luật và các quy định liên quan. Khi có đơn thư là xử lý ngay, qua đó góp phần không để xảy ra vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người trên địa bàn xã”.
Chuyển biến tích cực của đội ngũ chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn sau khi tham gia lớp đào tạo, bồi dưỡng còn được công chức làm việc tại địa phương ghi nhận.
Anh Nguyễn Hải Đăng, công chức tư pháp - hộ tịch UBND xã Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai) cho biết: “Sau khi Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Minh Thủy hoàn thành lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, việc chỉ đạo, điều hành công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, hòa giải có sự thay đổi rõ nét. Đồng chí đã sát sao với các vụ việc, quyết đoán và khéo léo, giải quyết đúng quy định pháp luật, mang lại sự hài lòng cho công dân”.
Chương trình hữu ích, vận dụng phù hợp
Mở các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là bước cụ thể hóa Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2315/QĐ-UBND ngày 17-4-2017. Theo đó, có 1.432 chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ.
Chương trình học được thiết kế thành các hợp phần: Kiến thức lý luận - chính trị; kiến thức về hành chính - chính quyền địa phương; các chuyên đề về định hướng đổi mới; các chuyên đề về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành… Tham gia giảng dạy là các nhà khoa học, giảng viên của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Hành chính quốc gia và các chuyên gia nước ngoài. Nhìn chung, các học viên đều ý thức rõ về sự hữu ích của lớp học nên tham gia đầy đủ với tinh thần, ý thức cao.
Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ: “Tôi đã thu xếp, bàn giao công việc để chuyên tâm học, cố gắng lĩnh hội kiến thức bổ ích để vận dụng vào thực tiễn tại đơn vị mình”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, qua đánh giá sơ bộ các khóa học cho thấy, chương trình đào tạo phù hợp với cán bộ, công chức cấp xã và đã được Bộ Nội vụ thống nhất áp dụng toàn quốc.
Đặc biệt, các học viên đạt chứng chỉ xuất sắc đã có chuyến đi thực tế bổ ích tại Nhật Bản 12 ngày để học tập kinh nghiệm về: Quản lý môi trường - phát triển chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn; mô hình chính phủ điện tử - chính quyền điện tử trong quản lý và điều hành cấp cơ sở; chính sách và hệ thống hỗ trợ tái thiết nông thôn, mô hình làng sinh thái kết hợp phát triển du lịch.
Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn (quận Long Biên) Nguyễn Văn Thắng là học viên được đi tìm hiểu thực tế tại Nhật Bản nhấn mạnh: “Đó là chuyến đi rất bổ ích. Chúng tôi được tiếp cận với cách họ xử lý về vấn đề môi trường, quản lý văn hóa, giao thông, đô thị… Qua đó giúp tôi có thêm kỹ năng, kiến thức để vận dụng phù hợp trong công tác quản lý, điều hành ở địa phương mình”.
Ở góc nhìn của người dân, bà Nguyễn Bích Phương (ngõ 76 phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) cho rằng: “Lãnh đạo chính quyền cơ sở được bồi dưỡng nâng cao năng lực điều hành, trang bị kiến thức, kỹ năng chuẩn đã giải quyết thấu đáo mọi vấn đề. Qua xử lý công việc, nhân dân được thuyết phục, an tâm, tin tưởng hơn, từ đó góp phần xây dựng địa phương ổn định, phát triển”.
Chất lượng và hiệu quả từ các lớp học đã rõ. Tuy nhiên, qua các lớp học, nhiều học viên mong muốn, thành phố tiếp tục mở các lớp tương tự, nội dung tập trung vào những vấn đề mới, mang tính xu hướng phát triển cũng như cần tổ chức thêm buổi sinh hoạt ngoại khóa theo chuyên đề để tăng cường trao đổi giữa các học viên…
Từ năm 2018 đến nay, thành phố Hà Nội đã tổ chức được 9 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã. Mỗi lớp có khoảng 90 học viên, nghiên cứu 32 chuyên đề trong 32 ngày học tập trung liên tục và 3 ngày đi học tập thực tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.