Chính trị

Xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành trường chính trị chuẩn tiêu biểu

Đình Hiệp 26/06/2023 12:23

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ngày 23-6 ký ban hành Đề án số 27-ĐA/TU về phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội đến năm 2030.

le-hong-phong.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong thăm Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.

Thực hiện Quy định số 09-QĐi/TƯ ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 9-7-2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quy định số 6721-QĐ/TU về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội.

Trên cơ sở đó, đến tháng 9-2019, tổ chức bộ máy của trường đã được sắp xếp lại đảm bảo đúng theo quy định, gồm Ban Giám hiệu, 3 khoa và 2 phòng. Đội ngũ cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng nhà trường có 105 người.

Trên cơ sở thực tiễn hiện nay của nhà trường, Đề án đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành phố Hà Nội trở thành trường chính trị chuẩn tiêu biểu và dẫn đầu cả nước, xứng tầm trường chính trị của Thủ đô. Đồng thời, là cơ sở nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn, tham mưu chính sách có uy tín của Thủ đô và đất nước, kết nối khu vực và quốc tế.

Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể: Trường đạt trường chính trị chuẩn mức 1 năm 2024, đạt chuẩn mức 2 từ năm 2026, là mô hình trường chính trị chuẩn tiêu biểu của cả nước, có tổ chức bộ máy tương xứng với chức năng, nhiệm vụ do Trung ương và thành phố giao. Đồng thời, có các đơn vị chuyên trách thực hiện những nhiệm vụ trọng điểm; có ít nhất 20% cán bộ, giảng viên có học vị tiến sĩ, trong đó có 100% thành viên Ban Giám hiệu và trưởng, phó các khoa; xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng có chất lượng cao, đạt tỷ lệ theo quy định; bước đầu kết nối khu vực và quốc tế.

Đến năm 2030, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong trở thành trường chính trị chuẩn tiêu biểu dẫn đầu cả nước, theo hướng trường chính trị thông minh trên nền tảng công nghệ số hiện đại; có ít nhất 30% cán bộ, giảng viên có học vị tiến sĩ, trong đó có 100% thành viên Ban Giám hiệu và trưởng, phó các đơn vị trực thuộc. Trong đó, bước đầu xây dựng được đội ngũ giảng viên - chuyên gia có năng lực, phẩm chất nổi trội trong các lĩnh vực chuyên môn của trường, có khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế; có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng trong và ngoài nước đạt tỷ lệ quy định, có chất lượng cao; kết nối hiệu quả với khu vực và quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.

Đến năm 2026, Trường tập trung nghiên cứu, phát triển và thực hiện tốt các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được giao; chú trọng tổ chức các lớp cập nhật kiến thức ngắn hạn theo định kỳ, nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế và môi trường số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô; có phương thức quản trị nội bộ và hệ thống kiểm soát, đảm bảo chất lượng tiên tiến, ứng dụng công nghệ số đồng bộ, hiện đại.

Đến năm 2030, Trường có chương trình, phương pháp giảng dạy hiện đại; có chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và hệ thống kiểm soát, đảm bảo chất lượng, chuyên nghiệp; từng bước đa dạng hóa các phương thức tổ chức, liên kết đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước dựa trên nền tảng công nghệ số; trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có uy tín hàng đầu đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong thành trường chính trị chuẩn tiêu biểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.