(HNM) - Xác định công tác giám sát đảng viên ở nơi cư trú là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Đảng, chính quyền, những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Nhờ đó, nhiều cán bộ, đảng viên đã thực sự gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương.
Tạo sự gắn bó
Thôn Hội, xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) có 78 đảng viên đang tham gia sinh hoạt hai chiều. Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Hội Đinh Văn Xuân khẳng định: Do Ban Công tác Mặt trận thôn thực hiện tốt việc giám sát và nhận xét đảng viên ở nơi cư trú nên nhiều đồng chí đã hăng hái tham gia các hoạt động ở địa phương.
Tại khu dân cư số 10, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân), hằng năm, Ban Công tác Mặt trận của khu dân cư đều có kế hoạch tổ chức nắm bắt ý kiến nhân dân về các đảng viên sinh hoạt hai chiều trên địa bàn. Trước khi hết năm, Ban Công tác Mặt trận cùng tổ trưởng tổ dân phố, trưởng các chi hội đoàn thể họp đánh giá từng đảng viên ở nơi cư trú, tổng hợp ý kiến gửi bí thư chi bộ. Với những đảng viên chưa nhiệt tình tham gia sinh hoạt tại địa phương, Ban Công tác Mặt trận sẽ góp ý trực tiếp trước khi nhận xét vào phiếu. Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 10, phường Khương Đình, Bùi Thu Én cho biết: “Với cách làm này, chúng tôi đã gắn kết được đảng viên sinh hoạt hai chiều tham dự đầy đủ các hội nghị, các phong trào ở khu dân cư”.
Từng là đảng viên sinh hoạt hai chiều tại khu dân cư số 1 phường Kim Giang (quận Thanh Xuân), ông Trần Bá Ca chia sẻ, trước đây, mỗi cuộc họp tại nơi cư trú chỉ có khoảng 3-4 đảng viên sinh hoạt hai chiều tham dự. Năm 2017, được bầu làm trưởng ban liên lạc đảng viên hai chiều của khu dân cư, ông đã hướng các đảng viên này vào các hoạt động của khu dân cư như tặng mái che trước nhà hội họp, tặng tủ sách... để tạo sự gắn kết. Dần dần, các cuộc họp đảng viên sinh hoạt hai chiều đã thu hút đông đảng viên tham gia.
Đổi mới hơn nữa
Giám sát đảng viên ở nơi cư trú là việc làm được các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện theo Nghị quyết liên tịch số 05/ 2006/NQLT-CP-UBTƯMTTQ ngày 21-4-2006 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc ban hành Quy chế “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”; Quy định số 213/QĐ-TƯ ngày 2-1-2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú” và các hướng dẫn liên quan. “Hoạt động này dần đi vào nền nếp, góp phần quản lý đảng viên và xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nêu gương tốt, hạn chế những việc làm chưa gương mẫu của nhiều đồng chí”, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân khẳng định.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, như: Việc thực hiện Hướng dẫn số 60/HD-MTTQ-BTT ngày 26-4-2018 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố về “Giám sát và nhận xét của Ban Công tác Mặt trận đối với đảng viên thường xuyên ở nơi cư trú, đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp” ở một số địa phương còn chậm; việc xây dựng kế hoạch giám sát, nhận xét chưa bám sát tình hình địa phương. Ở những nơi trưởng ban công tác Mặt trận không là bí thư chi bộ thì việc tiếp nhận, lập danh sách đảng viên đang công tác cư trú ở khu dân cư còn lúng túng…
Để giải quyết những khó khăn trên, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Hội, xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm) Đinh Văn Xuân mong muốn: “Cấp ủy Đảng cần tạo điều kiện hơn nữa để ban công tác Mặt trận thực hiện giám sát; đồng thời tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho trưởng ban công tác Mặt trận trong vấn đề này”.
Còn Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Long Biên Ngô Thanh Xuân đề nghị: “Thành phố sớm ban hành hướng dẫn để các địa phương thực hiện và có cơ chế giám sát của chi ủy, chi bộ với cán bộ, đảng viên”. Để việc giám sát, nhận xét về đảng viên sinh hoạt 2 chiều được thực chất, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Bùi Thị An nêu quan điểm: “Trước khi gửi phiếu nhận xét cho chi ủy, Ban Công tác Mặt trận cần công khai ý kiến nhận xét về đảng viên và chịu trách nhiệm về nhận xét của mình”.
Hoạt động giám sát, nhận xét đảng viên đang công tác ở nơi cư trú là kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy cơ sở phát huy dân chủ trong đánh giá, phân loại đảng viên; phát huy vai trò của Mặt trận ở khu dân cư; giúp mỗi đảng viên tự rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân, do đó rất cần được tiếp tục nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.