(HNM) - Chất vấn là hoạt động quan trọng, thể hiện chức năng giám sát của HĐND các cấp. Tuy nhiên, để phiên chất vấn đạt chất lượng cao, trúng vấn đề cử tri quan tâm, ngoài việc chuẩn bị chu đáo của cơ quan thường trực HĐND, đòi hỏi mỗi đại biểu phải có kỹ năng tổng hợp thông tin, phản biện tốt tại kỳ họp.
Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, cơ bản đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đã phát huy tốt vai trò này, được nhiều cử tri ghi nhận. Bà Phạm Thị Minh Tâm (tổ dân phố 2, phường La Khê, quận Hà Đông) cho biết, theo dõi các kỳ họp của HĐND thành phố Hà Nội được truyền hình trực tiếp gần đây cho thấy sự đổi mới, truyền tải được thông tin, vấn đề cử tri kiến nghị, phản ánh. Những phiên chất vấn công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, giáo dục, văn hóa… đã rất trúng với thực tiễn cơ sở.
Được biết, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, HĐND thành phố đã tổ chức được 6 phiên chất vấn với 186 lượt ý kiến chất vấn. Kết quả sau chất vấn đã làm rõ được trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành các vấn đề quan trọng, bức xúc ở địa phương; đưa ra các phương hướng, giải pháp triển khai tốt các nhiệm vụ, thực hiện hiệu quả nghị quyết của HĐND thành phố.
Thông qua đó, đã góp phần khẳng định vai trò, năng lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố; làm cho tình hình kinh tế - xã hội của thành phố có những chuyển biến theo hướng tích cực. Một số vấn đề bất cập, bức xúc đã có giải pháp khắc phục kịp thời…
Tuy nhiên, để hoạt động chất vấn lan tỏa từ HĐND thành phố xuống HĐND cấp cơ sở đòi hỏi còn nhiều việc phải làm. Cụ thể, cử tri mong muốn các vị đại biểu HĐND cấp cơ sở không ngừng trau dồi kiến thức, dám nói, dám làm, mang thực tiễn nóng hổi từ địa bàn phản ánh trung thực, khách quan tại các phiên chất vấn. Có như vậy, tiếng nói từ nghị trường, hoạt động của đại biểu mới thực sự là đại diện cho cử tri cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.