Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh

Bách Sen| 16/09/2017 07:26

(HNM) - Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 từng được Quốc hội điều chỉnh nhưng đến nay vẫn có hiện tượng không thực hiện đúng; chất lượng một số văn bản không cao. Vì vậy, việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là yêu cầu cấp bách.

Ông Phan Trung Lý - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phát biểu tại hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Hành chính công” tổ chức ngày 12-7-2017 tại Hà Nội.



Đưa cơ quan thẩm định, thẩm tra vào thế bí

Theo quyết định của Quốc hội, năm 2018, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 22 dự án luật và cho ý kiến về một số dự án luật khác. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có rất nhiều văn bản đôn đốc việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng pháp luật năm 2017 nhưng bên cạnh những đơn vị chuẩn bị tích cực, chu đáo, vẫn còn nhiều cơ quan không làm đúng yêu cầu. Đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 3 dự án luật thuộc chương trình thông qua, song thực tế đang phát sinh một số dự án luật được Chính phủ, đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan đề nghị bổ sung, điều chỉnh. Bên cạnh đó, tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn tái diễn. Trong đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về mua, bán và xử lý nợ xấu của công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, xin lùi 15 ngày (từ ngày 1-8-2017 sang 15-8-2017), mặc dù dự thảo này được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn.

Câu chuyện chậm tiến độ, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dự thảo mà còn đẩy cơ quan thẩm định bước một - Bộ Tư pháp vào thế bí. Bởi theo quy định, thời gian nghiên cứu hồ sơ thẩm định, tổ chức thẩm định là 20 ngày, nhưng nhiều cơ quan soạn thảo gửi hồ sơ thẩm định sang thì chỉ còn 5 - 7 ngày là đến thời hạn trình Chính phủ. Đáng lưu ý, những tồn tại kể trên đã kéo dài nhiều năm. Một thực tế đặt ra là không hiếm đại diện bộ, ngành xin lùi thời gian nhưng khi được hỏi lùi đến khi nào thì cũng không đưa ra được câu trả lời chắc chắn.

Theo Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, ngoài trình dự án luật chậm, vẫn có hiện tượng nhiều dự án luật chất lượng thấp, nội dung mâu thuẫn với các luật khác, báo cáo đánh giá tác động sơ sài, dẫn tới hệ quả là tính khả thi không cao nhưng các cơ quan "gác cổng" và Ủy ban Thường vụ Quốc hội không mạnh dạn trả lại. Vì vậy, sau khi cho ý kiến lần một tại Quốc hội thì dự án luật lại được trao cho cơ quan thẩm tra. Cơ quan thẩm tra lại làm nhiệm vụ của cơ quan soạn thảo và với thời gian gấp rút thì thật khó bảo đảm chất lượng.

Cần có trách nhiệm đến cùng với dự án luật

Chất lượng dự án luật không bảo đảm một phần do trước đó, việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng luật có lúc còn hình thức, thời gian ngắn, đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động của dự án. Thực tế, cơ quan liên quan được lấy ý kiến chỉ nêu sâu quan điểm vào nội dung có ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực của mình, các nội dung còn lại thường đưa ra ý kiến ủng hộ chung chung mà không có sự nghiên cứu, đánh giá tác động một cách khách quan, chính xác.

Như phân tích của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, nếu các đơn vị sau khi tiếp nhận văn bản xin ý kiến lại giao cho chuyên viên hoặc những người không có trách nhiệm thì họ cũng nhận xét, góp ý vào đấy nhưng sẽ không có chất lượng như mong muốn. Từ thực tế đó, ông Bùi Văn Ga đề nghị, những cơ quan đã nhận được văn bản đề nghị góp ý kiến vào các dự án luật thì phải góp ý nghiêm túc, có tinh thần trách nhiệm cao, có như vậy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mới có chất lượng tốt.

Cùng quan điểm, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo hướng Chính phủ, các cơ quan liên quan có trách nhiệm đến cùng với dự án luật đến khi Quốc hội thông qua, đặc biệt là tăng cường sự tham gia của Chính phủ trong quá trình tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật.

Luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm, với những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau liên quan dự án luật quan trọng, phải tổ chức tọa đàm, hội nghị mời đại biểu Quốc hội chuyên trách, chuyên gia, sau đó gửi phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội. Qua đó làm cơ sở cho việc chỉnh lý, trình ra Quốc hội.

Những bất cập trong công tác xây dựng pháp luật đặt ra đòi hỏi, cần xác định rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo trong suốt quá trình từ khâu soạn thảo, phối hợp, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện đến khi thông qua một dự án luật. Nên chăng, Quốc hội công khai danh sách cơ quan trình dự án luật kém chất lượng; coi đây là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá năng lực của người đứng đầu.

Theo quy định, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng pháp luật; đặc biệt là chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung, chất lượng đến tiến độ trình dự án, dự thảo luật do cơ quan mình chủ trì, chuẩn bị. Nếu người đứng đầu các bộ, ngành thực sự quan tâm, chú trọng đến công tác xây dựng thể chế thì chắc chắn công tác này sẽ có chuyển biến tích cực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.