Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là một dự án luật đặc biệt quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Sau những dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) hay một số dự án luật khác thì Luật Thủ đô (sửa đổi) có tầm quan trọng đặc biệt vì chúng ta đều biết rằng, Hà Nội là một đô thị đặc biệt, đồng thời còn là Thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt thì có thể có nhiều, nhưng Thủ đô nước ta thì chỉ có một.
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định, Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế. Thứ tự ở đây hơi khác một chút so với Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020”, trong đó, xác định Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, sau đó mới đến kinh tế. Nhưng lần này, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ xác định Thủ đô là trung tâm lớn về kinh tế, rồi đến văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.
Bởi vì, quy mô kinh tế Hà Nội ngày càng lớn; thu ngân sách nội địa có thể nói là lớn nhất cả nước, nên về tính chất kinh tế của Thủ đô cũng khác trước. Do đó, Hà Nội cũng cần được xác định vừa là đầu não chính trị, hành chính quốc gia, vừa là bộ mặt, trái tim của cả nước, hội tụ tất cả những gì tinh túy nhất: Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến và anh hùng, “Thành phố Vì hòa bình", thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO...
Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho đến tận giữa thế kỷ; từ đó thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và cho cả nước. Nhiều đại biểu Quốc hội nói rằng xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng cho Thủ đô mà thực chất là cho cả nước theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cùng cả nước”.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đầu tư rất lớn công sức cho dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và có thể nói đã khởi động xây dựng luật từ sớm, từ khi xây dựng Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã làm việc từ rất sớm với Thủ đô và đầu tư rất nhiều công sức cho dự án luật này. Đảng đoàn Quốc hội và cá nhân tôi cũng đã hai lần làm việc chính thức với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, chưa kể những lần làm việc không chính thức. Vì ngoài trách nhiệm thành viên của Đảng đoàn Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn là trách nhiệm công dân trên địa bàn Thủ đô...
Nhiều đại biểu Quốc hội có nhận định, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) mới trình lần đầu nhưng có chất lượng khá tốt và khắc phục được tính chất "luật khung, luật ống". Những quy định lần này mang tính chất quy phạm rất rõ để có thể áp dụng khả thi, cụ thể. Dự thảo Luật quy định những vấn đề có tính phổ quát của một đô thị đặc biệt nhưng vừa có tính đặc thù riêng có của Thủ đô. Thực chất đạo luật này là một đạo luật về cơ chế đặc thù và phân quyền, giao quyền, phân cấp gắn với trách nhiệm giám sát và kiểm tra.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được trình Quốc hội lần này có thuận lợi hơn khi Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24-6-2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh như một dự án luật, gồm 44 chính sách, trong đó có 27 chính sách hoàn toàn mới so với những chính sách đã áp dụng cho các địa phương khác trong toàn quốc. Đây là nền tảng để tiếp tục nghiên cứu, để cụ thể hóa những nội dung phù hợp với Thủ đô.
(Trích phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên thảo luận Tổ 4 về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 10-11-2023 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.