Kinh tế

Bổ sung 4 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Tiến Thành 18/12/2023 10:30

Sáng 18-12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với một số dự án luật.

lethanhlong.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình.

Chưa xem xét, bổ sung Luật Nhà giáo

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với 4 dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi 4 luật nêu trên nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thi hành các luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung Chương trình năm 2024. Cụ thể, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, thông qua tại kỳ họp thứ tám như đề nghị của Chính phủ.

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám (lùi một kỳ so với đề nghị của Chính phủ) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, đánh giá tác động, bảo đảm chất lượng dự án Luật.

Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ bảy theo quy trình tại một kỳ họp để sớm ban hành Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

nguyenkhacdinh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với 5 dự án luật. Tuy nhiên, qua quá trình thảo luận nhận thấy trong 5 dự án luật trình có dự án Luật Nhà giáo chưa đạt sự thống nhất cao và cần chuẩn bị, bổ sung thêm. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét việc bổ sung Luật Nhà giáo tại phiên họp này; đồng thời giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện thêm, bảo đảm chất lượng và đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sau.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cân nhắc, thận trọng đối với việc sửa đổi toàn diện Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cùng cho rằng, nếu dự án Luật được chuẩn bị tốt có thể cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ bảy theo quy trình tại một kỳ họp; nhưng nếu sự chuẩn bị chưa tốt thì sẽ trình lần đầu vào kỳ họp thứ bảy, thông qua vào kỳ họp thứ tám.

letantoi.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới thảo luận.

Tránh tình trạng “có gì làm nấy”

Liên quan đến dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, thực tế trong 5 năm thi hành luật, trong số 40 nghìn vụ phạm tội liên quan đến vũ khí và vật liệu nổ thì có hơn 58% các vụ án liên quan đến việc sử dụng dao và vũ khí thô sơ để thực hiện các hành vi phạm tội như giết người, bắt cóc, ma túy, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ… Do đó, từ thực tế đặt ra rất cần thiết sửa đổi dự án Luật này, ông Lê Tấn Tới đề xuất thông qua dự án Luật trong một kỳ họp theo hình thức rút gọn.

Thảo luận về bổ sung dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa được chuẩn bị mặc dù vừa qua Bộ Tài chính đã khẳng định trong kỳ họp thứ tám Chính phủ sẽ trình Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là nội dung rất quan trọng để bảo đảm đồng bộ với việc triển khai các quy định mới về thu nhập doanh nghiệp theo thuế tối thiểu toàn cầu. Do vậy, đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hai dự án luật nêu trên để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

vuongdinhhue.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc trình các nội dung phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, dù Luật cho phép nhưng các cơ quan liên quan chỉ nên trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung, điều chỉnh chương trình đối với những dự án luật, pháp lệnh thực sự cấp bách, đột xuất. Chủ tịch Quốc hội cho rằng các dự án Luật phải tính toán tổng thể trong hệ thống pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng “có gì làm nấy”, dẫn đến thiếu tính đồng bộ, thống nhất.

Tại phiên họp, với 100% thành viên có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung 4 dự án Luật nêu trên vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Về tiến độ trình các dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đề nghị của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Riêng đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tám; tuy nhiên, nếu Chính phủ chuẩn bị dự án Luật tốt, đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ bảy và được các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy theo quy trình tại một kỳ họp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung 4 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.