(HNM) - Như "đến hẹn lại lên", mỗi dịp đầu năm học mới, phụ huynh bao giờ cũng khốn khổ về các khoản phải nộp cho con em mình. Lương không tăng, thu nhập ngày càng khó khăn vì tình hình kinh tế chưa hồi phục, nhưng lạ kỳ là các khoản thu của học sinh thì ngày càng nhiều thêm và năm sau luôn cao hơn năm trước.
Đi họp đầu năm, không ít bậc cha mẹ học sinh đến phần thu tiền phải lẳng lặng rút lui, coi như khất nợ phần đóng góp cho con em vì tiền mang theo có hạn dù rằng trước đó đã có sự chuẩn bị. Không chỉ là học phí, tiền quỹ trường, quỹ lớp, tiền bảo hiểm, mua đồng phục... nhiều trường còn có thêm tiền mua nước uống, tiền điện, mua vở dùng riêng... Khoản thì giáo viên thu, khoản Hội Cha mẹ học sinh thu hộ, phần thì đại diện phụ huynh học sinh quán triệt, đả thông tư tưởng... Tóm lại đều là vì "tương lai con em chúng ta". Vậy nên có hiểu chưa cặn kẽ việc đóng góp hoặc mục đích sử dụng khoản thu thì cũng ít người nêu ý kiến thắc mắc. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc dư luận đồng tình với nhiều khoản thu và khoảng thời gian này năm nào cũng vậy, các cơ quan báo chí đã góp phần không nhỏ trong việc phát hiện những điều không hợp lý.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành chức năng và chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã tích cực vào cuộc với nhiều biện pháp nhằm hạn chế việc lạm thu dịp đầu năm học mới. Điều đó đã được thể hiện bằng hàng loạt văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định... Tuy nhiên, khi một hành lang pháp lý được dựng lên để ngăn ngừa những vi phạm thì cũng có không ít nơi tìm cách "lách luật".
Với đồng lương eo hẹp của giáo viên hiện nay (cả xã hội thừa nhận và cho rằng, đây là nguồn gốc phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến ngành giáo dục) thì thầy cô giáo và nhà trường đã trực tiếp hưởng lợi trong một số khoản thu. Cụ thể là tỷ lệ chiết khấu, "hoa hồng" của các đơn vị, doanh nghiệp; nhà cung cấp trong từng lĩnh vực như bảo hiểm; may đồng phục; cung ứng sách giáo khoa, đồ dùng học tập, các mặt hàng thực phẩm... Với một số vụ việc được phát hiện thời gian qua, phần lợi nhuận từ những khoản "ngoài luồng" này là không nhỏ. Ví dụ như tỷ lệ "lại quả" của doanh nghiệp trong việc bán sữa bột cho một trường mẫu giáo lên tới trên 40% giá sản phẩm hoặc việc một số trường nhận tiền "hoa hồng" may đồng phục học sinh từ 5% tới 30%... Đó chính là động cơ phía sau khiến một số nhà trường, thầy cô giáo sẵn sàng "ôm" thêm công việc không đúng chức năng của ngành giáo dục và của những người đứng trên bục giảng như vận động, tiếp thị, thậm chí dùng cả "quyền lực ngầm" của những người làm công việc "trồng người" để ép buộc học sinh, cha mẹ học sinh tham gia một loại "dịch vụ" cụ thể nào đó. Đó cũng chính là nguyên nhân để người ta tìm mọi cách "lách luật" hoặc cố tình vi phạm những quy định của ngành chức năng.
Công bằng mà nói, không phải toàn bộ các nhà trường, các thầy cô đều "tranh thủ" lợi ích từ những khoản lạm thu. Nhiều trường có những cách làm riêng, thực hiện công khai minh bạch, vừa đạt được mục tiêu chung đối với ngành giáo dục, vừa bảo đảm quyền lợi của học sinh. Song, để phụ huynh không còn nỗi lo thường trực về những khoản thu đầu năm, để dư luận xã hội không còn ì xèo về những chuyện lạm thu, để tư cách những người làm thầy, làm cô luôn trong sáng trong mắt của học sinh và các bậc cha mẹ học sinh; bên cạnh việc ngành chức năng nhanh chóng hoàn thiện một hành lang pháp lý đủ hiệu lực ngăn cản những vi phạm, Chính phủ cần có chính sách cùng lộ trình cụ thể nhằm từng bước nâng cao mức lương và cải thiện thu nhập cho đội ngũ giáo viên và những người làm công tác quản lý giáo dục. Có như vậy họ mới có thể sống được với nghề và yên tâm công tác, không còn bị cám dỗ bởi các khoản thu nhập "ngoài luồng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.