(HNM) - Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc một lần nữa bị đẩy lên cao trào khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố đợt áp thuế bổ sung lên hầu như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, người đứng đầu nước Mỹ tuyên bố mức thuế 25% đang áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên 30% kể từ ngày 1-10 tới. Cùng với đó, 300 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc cũng sẽ phải chịu mức thuế 15%, thay vì 10% như dự kiến. Nửa đầu tiên của kế hoạch 300 tỷ USD này sẽ triển khai từ ngày 1-9, phần còn lại được thực thi từ ngày 15-12.
Sau quyết định gây sốc, Tổng thống D.Trump tiếp tục có những dòng tweet cứng rắn, kêu gọi các công ty Mỹ “ngay lập tức xem xét một lựa chọn thay thế Trung Quốc”, chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ. Động thái này diễn ra ngay sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ đánh thuế cao hơn với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Theo đó, tổng cộng 5.078 sản phẩm từ xứ Cờ hoa sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 10% hoặc 5% trong lần nâng thuế mới, dự kiến chia làm 2 đợt vào ngày 1-9 và ngày 15-12. Bắc Kinh cũng có kế hoạch tiếp tục áp thuế 25% và 5% đối với sản phẩm và phụ tùng ô tô do Mỹ sản xuất bắt đầu từ ngày 15-12.
Phản ứng trước quyết định mới nhất của ông chủ Nhà Trắng, Trung Quốc khẳng định sẽ có những biện pháp quyết liệt để bảo vệ lợi ích cốt lõi. Bộ Thương mại nước này cũng ra tuyên bố cáo buộc đòn đánh thuế mới của Mỹ là biểu hiện của "chủ nghĩa bảo hộ thương mại đơn phương" gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống thương mại đa phương và trật tự thương mại quốc tế thông thường.
Nấc thang căng thẳng mới diễn ra ngay sau khi các nhà đàm phán hai nước tổ chức cuộc họp qua điện thoại. Cách đây không lâu, Mỹ cũng thông báo đang chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với đại diện của Trung Quốc thảo luận việc tháo gỡ bất đồng thương mại song phương tại Washington vào tháng 9 tới. Ngay thời điểm đó, phần lớn các nhận định đều cho rằng hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khó đạt được đột phá tại lần gặp gỡ sắp diễn ra, đặc biệt khi cả hai phía đều chưa muốn nhượng bộ.
Chính quyền Mỹ đang hướng tới việc tiếp tục gia tăng áp lực với Trung Quốc trong khi Bắc Kinh không chấp nhận đối thoại trong thế yếu. Việc hai bên quyết định tăng thuế nhằm vào hàng hóa nhập khẩu của nhau càng cho thấy triển vọng đạt được một thỏa thuận thương mại đang xa vời hơn.
Trên thực tế, khi tranh chấp kéo dài, thiệt hại là tất yếu. Hàng rào thuế quan ngày càng cao cùng với các lệnh cấm không chỉ khiến hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc lao đao vì thiếu nguồn lực công nghệ cũng như đầu ra tiêu thụ sản phẩm, mà các doanh nghiệp Mỹ cũng gặp khó khi giá linh kiện từ các nhà cung cấp Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. Những công ty Mỹ sản xuất hàng hóa thông qua các liên doanh ở Trung Quốc cũng đối mặt rất nhiều khó khăn.
Dự báo, GDP của Mỹ sẽ giảm 0,6% vào năm 2021 trong khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ mất đi 1%. Tác động tiêu cực từ căng thẳng giữa hai nền kinh tế này cũng sẽ khiến GDP toàn cầu năm 2021 giảm 0,6%. Trước mắt, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) sẽ thiệt hại nặng nề hơn cả do hoạt động xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào hai đầu tàu kinh tế thế giới.
Hiện thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc khi chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,2%, S&P 500 tụt 1,6% và Nasdaq mất đi 1% giá trị. Sự biến động theo hướng tiêu cực đối với các thị trường khác cũng được dự đoán là khó tránh khỏi.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá dầu thô giao tháng 10 giảm 1,18 USD/thùng, còn 54,17 USD/thùng. Giá dầu Brent giảm 0,58 USD/thùng, còn 59,34 USD/thùng. Tuy nhiên, trong "tâm bão" căng thẳng, hai đối tác thương mại lớn của nhau là Mỹ và Trung Quốc vẫn đang cách xa mục tiêu tìm được giải pháp để hóa giải bất đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.