Theo dõi Báo Hànộimới trên

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online là “bảo hộ ngược”

Thanh Hà| 30/03/2023 14:36

(HNMO) - Ngày 30-3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức hội thảo “Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)". Hội thảo được tổ chức sau khi Bộ Tài chính đưa ra dự thảo áp thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trên mạng (game online).

Toàn cảnh hội thảo “Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)". Ảnh: Kata

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp game cho hay, lĩnh vực này có lịch sử khoảng 18 năm nhưng đến giờ chỉ còn khoảng 20 đơn vị hoạt động (riêng năm 2022 có 10 doanh nghiệp phá sản).

Thực tế, 78% doanh thu game tại Việt Nam năm 2022 thuộc về các nhà cung cấp ngoài lãnh thổ Việt Nam và không quản lý được. Chỉ có 22% doanh thu game là của doanh nghiệp trong nước, cung cấp các game được cấp phép. Do vậy, các doanh nghiệp cho rằng, coi game online có doanh thu lớn và lợi nhuận cao là không đúng thực tế.

“Nhiều doanh nghiệp game của Việt Nam đang teo tóp chứ không phải có doanh thu lớn, lợi nhuận cao”, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành game Công ty cổ phần VNG thông tin.

Đại diện các hiệp hội, chuyên gia cũng cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho game là chưa phù hợp. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, rất hiếm quốc gia đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game. Nếu Bộ Tài chính đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành game Việt Nam. Vì vậy, bất cứ chính sách nào đưa ra đều phải được cân nhắc nhiều chiều.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, rất hiếm quốc gia đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game. Ảnh: Kata.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, bản thân doanh nghiệp game Việt cũng đang phải chịu sự cạnh tranh không bình đẳng với các nhà phát hành game nước ngoài ngay chính tại thị trường Việt Nam. Thực tế đã có khá nhiều doanh nghiệp game trong nước chuyển sang cung cấp tại nước ngoài và đây cũng là vấn đề lớn đặt ra với các nhà hoạch định chính sách. Nếu chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì thị trường game giống như “bảo hộ ngược”, tạo điều kiện cho game xấu, game lậu phát triển.

“Dịch vụ game khi triển khai ở Việt Nam có nhiều thủ tục hành chính, giấy phép buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. Trong khi đó, chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý dịch vụ xuyên biên giới, nên các doanh nghiệp game nước ngoài cung cấp vào Việt Nam không phải chịu bất cứ sự quản lý nào”, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thể thao điện tử Việt Nam nêu thực trạng.

Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, phải đánh giá kỹ hơn về thực trạng hoạt động của lĩnh vực game, mức độ tác động đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp, Nhà nước, đồng thời nêu kỹ hơn lý do vì sao cơ quan soạn thảo đề xuất áp dụng sắc thuế này.

“Số liệu còn chưa khớp, đánh giá chưa đúng, chưa đạt mục tiêu điều chỉnh hành vi tiêu dùng, hay lại khiến doanh nghiệp khó khăn hơn?”, chuyên gia Cấn Văn Lực nêu vấn đề.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội tham luận tại hội thảo. Ảnh: Kata.

Đồng tình với các ý kiến, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội đặt vấn đề về mục tiêu giảm tác hại của game. Khác với hút thuốc lá và uống rượu phải mua từ nhà sản xuất, game online có thể được cung cấp xuyên biên giới, chỉ cần ngồi tại nhà chơi. Do vậy, để ra quyết định, cần dựa trên những bằng chứng khoa học cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online là “bảo hộ ngược”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.