Ngày 2-9, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) tuyên bố trong tuần này sẽ bắt đầu thử nghiệm vắcxin chống virút Ebola trên cơ thể người.
Theo CNN, đây là lần đầu tiên vắcxin chống Ebola được thử nghiệm trên cơ thể người. Trước đó Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã kiểm tra và bật đèn xanh để NIH bắt đầu thực hiện quy trình này.
Loại vắcxin thử nghiệm này là sản phẩm của tập đoàn dược GlaxoSmithKline (GSK) và Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID).
Nghiên cứu vắc xin Ebola trong phòng thí nghiệm - Ảnh: Reuters |
Các chuyên gia sẽ tiêm vắcxin vào cơ thể ba người tình nguyện khỏe mạnh để xác định nó có tác dụng phụ nào không.
Sau khi được xác định là an toàn, các chuyên gia sẽ tiêm vắcxin vào cơ thể một nhóm nhỏ người tình nguyện tuổi từ 18 đến 50 để xác định xem nó có tạo ra phản ứng miễn dịch đối với virút Ebola hay không.
Giám đốc NIAID Anthony Fauci cho biết sẽ thử nghiệm vắcxin chống Ebola một cách hết sức thận trọng để giám sát các tác dụng phụ.
Trước đó, loại vắcxin này đã hoạt động cực kỳ hiệu quả khi được thử nghiệm trên cơ thể tinh tinh.
Ông Fauci nhấn mạnh vắcxin kích thích phản ứng miễn dịch với virút Ebola sẽ làm một người khỏe mạnh không nhiễm Ebola.
Dù vậy, ông cho biết chưa thể dự báo trước hoạt động của loại vắcxin này trong cơ thể người.
NIH cũng thông báo sẽ thử nghiệm loại vắcxin này trên cơ thể người ở Anh, Gambia và Mali sau khi đạt được thỏa thuận với nhà chức trách các nước này. Ông cho biết không thể thử nghiệm vắcxin ở bốn nước có dịch Ebola là Guinea, Sierra Leone, Liberia và Nigeria vì hạ tầng y tế các nước này không đủ phát triển.
Mới đây GSK thông báo có kế hoạch sản xuất khoảng 10.000 liều vắcxin chống virút Ebola trong giai đoạn các cuộc thử nghiệm diễn ra. Trong khi đó, Cơ quan Y tế công Canada cũng sẽ thử nghiệm một loại vắcxin chống Ebola khác trong tháng tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.