Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mức phạt có đi liền với hiệu quả?

Người Lái Đò| 24/02/2013 06:25

(HNM) - Dự thảo lần hai Nghị định "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan" của Chính phủ nhằm thay thế các văn bản cũ từ năm 2009 và 2011 hiện đang ở giai đoạn lấy ý kiến dư luận.

Một trong những vấn đề nổi bật được quan tâm trong dự thảo chính là sự cụ thể hóa các tình huống vi phạm cũng như mức phạt cụ thể cho các hành vi này. Tuy nhiên, theo dự thảo, mức phạt tiền cao nhất cho cá nhân chỉ là 250 triệu đồng. Trong khi đó, Nghị định 109/2011 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 47/2009 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan) thì mức phạt chung cho cả cá nhân và tập thể cao nhất có thể lên tới 500 triệu đồng. Đơn cử như theo "anh" 109 thì nếu sao chép tác phẩm mà không xin phép có thể bị phạt từ 400 đến 500 triệu đồng (đối với hàng hóa có giá trị trên 500 triệu đồng). Còn theo "anh" dự thảo mới nói trên thì mức cao nhất chỉ là 250 triệu đồng (áp dụng cho hàng hóa vi phạm có giá trị chung từ 300 triệu đồng trở lên). Tương tự, trong một số hành vi vi phạm khác cũng vậy, người vi phạm chỉ phải nộp ra 250 triệu đồng, có thể chỉ bằng một nửa so quy định cũ.

Thật ra, trong dự thảo này, một số hành vi "trộm bản quyền" cũng bị nâng mức phạt cao hơn, nhưng đều chỉ áp dụng đối với những hàng hóa có giá trị thấp.

Vì sao lại có chuyện giảm mức phạt cho cá nhân như vậy, trong khi trước nay ai cũng kêu phạt không nhằm nhò gì, chỉ đủ "gãi ngứa" người vi phạm?

Có thể chăng, thực tế áp dụng hai nghị định cũ đã cho thấy những hạn chế về tính khả thi. Mức phạt cao, thỏa mãn tâm lý người bị hại nhưng lại không phạt được vì khó xác định giá trị hàng hóa thì cũng coi như không hiệu quả. Nghị định mới điều chỉnh mức phạt cụ thể riêng cho cá nhân, tập thể; mở rộng các tình huống phạt (khi không xác định được giá trị hàng hóa vi phạm) phải chăng là cách làm sát hơn với thực tế?.

Vậy thì, có một điều rất cần thiết khi đưa ra các dự thảo là cần có bản "thuyết minh" của ban biên soạn nhằm giúp cho người đọc nắm được những điểm mới, cũng như sự cần thiết phải có những thay đổi này. Có như vậy, hiệu quả góp ý sẽ chất lượng hơn. Chứ không thì cứ mất công biên soạn, rồi lại mất công sửa thì khổ cho cả mấy bên!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mức phạt có đi liền với hiệu quả?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.