Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm bản quyền thời 4.0: Bảo vệ quyền tác giả nhiếp ảnh trên không gian mạng

Song Nhật| 13/04/2023 16:12

(HNMCT) - Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, nhiếp ảnh là một trong những lĩnh vực sáng tạo có số lượng tác phẩm lớn bậc nhất và nhiều vụ vi phạm bản quyền. Hơn nữa, việc vi phạm bản quyền trong lĩnh vực này vừa đa dạng, vừa tinh vi, phức tạp, không chỉ gây khó cho tác giả mà còn cho cả các cơ quan thẩm định, xây dựng luật... Hànộimới Cuối tuần xin chia sẻ ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.

Bà Trần Thị Thu Đông, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm:
Nên sớm thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả nhiếp ảnh Việt Nam

Tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm nhiếp ảnh hiện diễn ra khá phổ biến và được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới, như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để chỉnh sửa, thay đổi nội dung tác phẩm nhiếp ảnh khác biệt so với tác phẩm gốc, tạo ra nhiều tác phẩm nhiếp ảnh khác nhau khiến công chúng khó phân biệt đâu là bản gốc.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của công nghệ cao đã tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, tác phẩm nhiếp ảnh trên môi trường mạng internet được dễ dàng, nhanh chóng và khó kiểm soát. Thậm chí, sau khi chỉnh sửa, những bức ảnh này còn dễ dàng qua mặt các phần mềm quét và tìm kiếm hình ảnh vi phạm bản quyền và được công nhận là một tác phẩm nghệ thuật mới. Trong thời đại 4.0, tác phẩm nhiếp ảnh còn thường xuyên phải đối mặt với những hành vi xâm phạm liên quan đến kỹ thuật điện tử, như hành vi cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

Thực tế cho thấy, khoa học công nghệ phát triển, cùng với đó là nhu cầu làm nghề, thưởng thức cái đẹp qua nghệ thuật ảnh bung nở đã khiến số lượng tác phẩm ảnh ra đời ngày càng nhiều. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có hơn 1.000 nghệ sĩ, chỉ tính riêng số lượng ảnh mỗi năm mà các tác giả gửi về dự thi đã tới 40 nghìn đến 50 nghìn file ảnh. Tuy nhiên, việc đảm bảo bản quyền cho các tác phẩm dường như chưa thực sự được quan tâm đúng mức, hoặc phản ứng chậm hơn nhiều so với những gì đang diễn ra trong thực tế. Hiện tượng này đã gây ra tâm trạng chán nản ở các tác giả nhiếp ảnh, hạn chế sự sáng tạo, lòng nhiệt huyết với nghề khi họ phải bỏ ra rất nhiều chi phí, công sức để tạo ra được các tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị nhưng lại bị "làm nhái".

Để nhiếp ảnh phát triển thành một ngành công nghiệp văn hóa, Nhà nước cần có kế hoạch, chính sách theo giai đoạn, lộ trình và cần có các biện pháp bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Một trong những biện pháp hữu hiệu là sớm thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả nhiếp ảnh Việt Nam. Cần hướng dẫn cho các nhà nhiếp ảnh thực hiện đăng ký bản quyền tác giả và có trách nhiệm giám sát, gương mẫu trong việc thi hành luật và văn bản dưới luật.

Bà Phạm Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả:
Bám sát hành lang pháp lý, sử dụng công nghệ để giám sát quyền

Khi công nghệ số phát triển, khi môi trường mạng đã tiếp cận đến từng người dân thì việc tạo điều kiện cho hoạt động sáng tạo nhiếp ảnh cũng dễ dàng hơn. Chỉ với một chiếc smart phone, mỗi người đều có thể trở thành tác giả nhiếp ảnh, số lượng tác phẩm được bảo vệ nhiều hơn. Và, chỉ với một cú click chuột, hàng triệu người có thể tiếp cận tác phẩm của chúng ta. Vì vậy, việc bảo vệ bản quyền sẽ ngày càng sôi động hơn, khó khăn, phức tạp hơn.

Việt Nam có nhiều nhiếp ảnh gia được trao giải thưởng trong nước và quốc tế. Trong vấn đề bản quyền, chúng ta đã và đang tham gia, hội nhập sâu rộng vào trường quốc tế trên lĩnh vực bản quyền. Việt Nam đã và đang tham gia một cách tích cực vào các công ước, hiệp định quốc tế liên quan tới lĩnh vực này; điều đó cho thấy rằng vấn đề bản quyền ngày càng được coi trọng, đóng vai trò quan trọng để có thể thúc đẩy công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo.

Có luật, biết rõ về quyền tác giả rồi, nhưng nếu không quản lý chặt chẽ việc xử lý hành vi vi phạm, không định danh rõ ràng hành vi xâm phạm thì các tổ chức, cá nhân vẫn sẽ gặp khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Có rất nhiều đơn khiếu nại đã được gửi đến chúng tôi, đề nghị xử lý. Hành vi xâm phạm bản quyền ngày càng nhiều và để xử lý tốt vấn đề thì chúng ta phải bám sát vào hành lang pháp lý, sử dụng các công cụ công nghệ để giám sát quyền. Khi có vi phạm, cần phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và quan trọng hơn, chúng ta phải chủ động hơn trong việc bảo vệ bản quyền của mình. Trong nhiếp ảnh hiện chưa có tổ chức đại diện tập thể, nhưng nếu các nhiếp ảnh gia, chủ sở hữu quyền có nhu cầu có một tổ chức thay mặt mình để bảo vệ quyền và lợi ích của mình thì chúng ta có thể nghiên cứu và thành lập. Tổ chức đó sẽ giúp chúng ta bảo vệ, khai thác tác quyền không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến:
Tâm lý ngại va chạm vẫn còn phổ biến

Tôi là một nghệ sĩ nhiếp ảnh, cầm máy đã được 50 năm, tham gia vào ban lãnh đạo Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam 20 năm và hiện đang làm công tác nghiên cứu nhiếp ảnh. Theo tôi, muốn làm tốt công tác bản quyền nhiếp ảnh ở Việt Nam thì phải hiểu về quá trình tạo ra một tác phẩm nhiếp ảnh ở Việt Nam, hiểu rằng cách tổ chức triển lãm, đưa tác phẩm nhiếp ảnh ra công chúng ở Việt Nam rất khác với nhiều nước trên thế giới. Và đặc biệt, cách xử lý hành vi vi phạm tác quyền ở ta còn mang nặng cảm tính, qua loa, đôi khi sai lè lè nhưng chỉ một câu xin lỗi là xong.

Trong quá trình làm việc tại Hội, có lúc vừa là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, có lúc vừa là Tổng Biên tập của tờ báo chuyên ngành, tôi đã cùng tham gia giải quyết rất nhiều vụ va chạm rồi, nhưng cuối cùng có khi chỉ một vài câu là xong, "cả làng vui vẻ". Ví dụ như việc xâm hại bức ảnh “Nụ hôn của gió” rất nổi tiếng của anh Trần Thế Long - thường xuyên được đưa ra làm dẫn chứng về xâm phạm bản quyền trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Ảnh của anh Long bị một họa sĩ vẽ lại thành tranh cổ động, đem tác phẩm dự thi và đoạt giải. Nhưng khi tiếp xúc, thấy cậu họa sĩ ấy còn rất trẻ, chúng tôi bảo nhau “tha cho”. Đấy, sự tùy tiện ở ta đấy! Bản thân nhà nhiếp ảnh cũng chưa biết cách đòi hỏi quyền lợi hợp pháp, chưa rõ cách bảo vệ mình và khi có vấn đề thì phải sòng phẳng ra sao. Người Việt nói chung rất ngại va chạm.

Chúng ta đang chứng kiến một thực tế là số vụ xâm hại bản quyền rất nhiều, điều đó cần được giải quyết dần dần, không thể nóng vội. Tôi đề nghị Cục Bản quyền nên có những buổi làm việc kỹ hơn với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Có nhiều vấn đề, vì tính lịch sử - xã hội của mỗi nước khác nhau nên cần áp dụng công ước quốc tế như thế nào đó cho phù hợp; chúng ta tôn trọng nguyên tắc, thượng tôn pháp luật nhưng vẫn phải đảm bảo lợi ích chung, làm sao để đưa được tác phẩm đến với công chúng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm bản quyền thời 4.0: Bảo vệ quyền tác giả nhiếp ảnh trên không gian mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.