(HNM) - Mới hôm nào, chỉ trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ ít ngày, có ý kiến rằng, người Việt Nam nên
Xuân Quý Tỵ 2013, nhìn ngắm người Hà Nội điềm tĩnh đón Tết cổ truyền, vẫn là thú vui tao nhã đầu xuân, phong vị tết ấm cúng nhà nhà hướng về tổ tiên, nguồn cội, truyền thống, những điều góp thành sức mạnh đoàn kết vượt khó khăn, tạo dựng niềm tin hướng tới tương lai, mới thấy những tranh luận nói trên không còn nhiều ý nghĩa.
Rực rỡ pháo hoa đêm Giao thừa tại Hồ Gươm. Ảnh: Viết Thành |
1. Bàn tính mãi, ý kiến ngược xuôi cuối cùng đọng lại một điều đơn giản: Tết Nguyên đán cổ truyền qua nghìn đời nay đã thành nét riêng của người Việt, đâu có dễ bỏ. Có chăng chỉ là đón tết thế nào cho hợp người hợp cảnh mà thôi. Những ngày cuối năm Nhâm Thìn mới thấy rõ ý nghĩa của những điều trên.
Năm nay nhiều nhà ăn tết muộn, sáng cuối năm vẫn tất bật mở hàng. Người Hà Nội điềm tĩnh vào xuân, nhiều gia đình đến ngày 28 tháng Chạp mới bắt đầu sắm tết, có lẽ bởi xuân Quý Tỵ nối tiếp một năm Nhâm Thìn nhiều trắc trở, không dễ gì vung tay. Người người ra chợ, chừng mực và từ tốn chọn thứ thật cần. Bánh chưng, mứt, giò, gà, thịt, miến, măng, đồ uống, đủ cho các bà các mẹ chu đáo bày biện mâm cỗ tất niên, lễ cúng giao thừa và mâm cúng mùng một, thêm ngũ quả đủ màu cho ban thờ ngày tết nữa là xong. Đào, quất, hồng, cúc, hải đường, thược dược, viôlét, đồng tiền, layơn bạt ngàn trên phố, giá cả không đến nỗi nào. Tết tiết kiệm, đào vụn được giá, những nhành hoa be bé được chọn dâng lên ban thờ tổ tiên, phòng khách một bình viôlét, có khi là chục layơn cũng đủ đầy ấm cúng. Hàng hoa có khắp thành phố, chập tối cuối năm vẫn có thể mua hoa ở bất cứ đâu. Nhiều người mua hoa muộn hơn mọi năm, ngày mới chỉ còn tính bằng giờ mới đủng đỉnh vác đào, vác quất về nhà. Chợ muộn thì hàng rẻ, cả gốc đào ban sáng có giá vài triệu giờ chỉ còn non nửa tiền.
Chiều tối cuối năm, Hà Nội trở mình, yên bình và thanh cao, những ồn ã thường nhật đã rời xa thành phố. Từ trung tâm tỏa ra vùng ngoại vi, cờ xí bạt ngàn, đỏ từng góc phố. Đường phố dường như dành cho người trẻ, những bác tài taxi cần mẫn. Loáng thoáng đâu đó hàng hoa, quả, bóng bay, phong bao lì xì cho người sắm tết muộn. Những bận rộn trong năm đã ở phía sau, nhà nhà thư thái chuẩn bị bữa cỗ tất niên, chào đón niềm vui sum họp. Trời đêm cuối năm thật đẹp, lạnh nhè nhẹ cho thiếu nữ má hồng xúng xinh, ông bà du xuân. Nhiều người về hồ Hoàn Kiếm từ sớm, dạo bước chờ pháo hoa, cảm nhận bầu không khí chuyển giao năm cũ - mới, mỗi năm chỉ có một lần.
Nhiều gia đình đi lễ chùa cầu chúc một năm mới nhiều may mắn. Giao thừa tại chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), dù khá đông người nhưng không còn cảnh người người chen vai chật cứng ngõ nhỏ. Mùng một Tết năm nay, trời đẹp nhưng số phật tử không bằng mọi năm, người bán cành lộc ít đi trông thấy. "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", nhiều sinh viên chọn bán muối, diêm, gạo, mặt hàng cần ít vốn mà dễ bán, người đi lễ dễ dàng bỏ ra 5.000-10.000 đồng để mua chiếc túi xinh xắn đựng những thứ được coi là mang đến điềm may. Những ngôi chùa nổi tiếng như Quán Sứ, Trấn Vũ, Bà Đá, Lý Quốc Sư, Vạn Niên, Tảo Sách… ít thấy cảnh tiền lẻ vương vãi, một phần do ý thức của người dân đã có sự chuyển biến, phần khác do việc tiếp lễ của nhà chùa bài bản hơn. Lượng người tiếp lễ giúp khách thập phương đông hơn, có cả sự tham gia của cả những người còn rất trẻ. Người Hà Nội hương khói vừa phải, từ tốn.
Ngày mùng ba Tết, đền Bà Chúa kho (Bắc Ninh) vắng khách đến xin lộc đầu năm, không có cảnh từng đoàn xe nối đuôi nhau từ đường quốc lộ đến cửa đền. Quán xá, người chèo kéo khách thưa hơn nhưng đội quân khấn thuê lại đông hơn hẳn. Đã có tiếng cự nự giữa người đi lễ và phía "kêu thay, lạy đỡ", những người luôn án ngữ trước ban thờ, khấn thay tín chủ to đến mức những người xung quanh không thể không lên tiếng.
2. "Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ…", nếp cũ ngàn năm còn đó dù có vật đổi sao dời. Bữa cơm gặp gỡ đầu xuân là dịp vấn an người già, động viên người trẻ giữ gìn truyền thống gia đình dòng tộc, gắng thành người có ích. Bên mâm cơm đầu xuân Quý Tỵ, nhà nhà "mở hàng" đầu xuân, những phong bao lì xì đỏ thắm bao gói lời chúc tốt đẹp về một năm mới sức khỏe, an bình, tấn tài, tấn lộc, thành đạt. Có những gia đình vẫn giữ nếp xưa, ngày xuân tranh thủ tặng con trẻ sách vở, động viên sự học. Năm nay dễ thấy bộ sách về những cặp đôi thú vị trong thế giới động vật, đằng sau con chữ là bài học về tình thương đồng loại; sách về phong tục ngày tết của NXB Kim Đồng, những bài học nhỏ dạy cách làm người ngay từ ấu thơ.
Mùng hai Tết hội xuân Văn Miếu mới bắt đầu đông. Khu di tích biểu trưng cho đất học Thăng Long - Hà Nội mở cả năm cửa chính, phụ đón người xe vào Thái Học chờ thỉnh chuông quý, thắp nhang thơm tưởng nhớ bậc hiền tài Chu Văn An. Bên đường Văn Miếu là "phố ông đồ", mỗi năm lại thấy rõ hơn sự ngay ngắn. Già trẻ lớn bé đội mưa xuân kéo cả về đây; bên thày đồ trẻ, bên ông đồ già. Trẻ muốn chữ "Đạt", già thích chữ "An", chữ "Phúc", thoảng trong gió xuân lời gợi mở kiếm tìm những "Nhẫn" với "Lộc". "Phố chữ" đông người qua, có sự trao đổi nhưng không ra nghĩa chợ, đơn giản là chữ nghĩa ngày xuân chuyên chở ước mơ đời người, "nhất tự thiên kim", không dễ gì định giá. Có khi người cho cảm khái tinh thần hướng thiện, muốn vươn tới chân - thiện - mỹ của khách lạ mà xuất chữ đúng nghĩa là "cho".
Ba ngày tết ngắn ngủi, tháng Giêng rộng dài. Từ ngày mai, mùng 5 là đã vào hội Đống Đa, ngày sau nữa là cùng lúc hội Gióng và các hội Cổ Loa, chùa Hương... Rạp chiếu bắt đầu đón khách, rạp hát sẵn những màn hay, phía sau những ngày vui là bài học văn hóa, là cách nghỉ ngơi chủ động sau một năm dài vất vả, đặng tự tin bước vào một năm lao động, học tập hiệu quả.
3. Tết Nguyên đán dần qua. Những ngày vui có ích tạo nên sắc thái riêng có của người phương Đông và của người Việt đâu dễ có nếu "hòa chung một tết". Xuân Quý Tỵ này, bên mâm cỗ đầu năm hay bàn trà của người cao tuổi, thường nghe chuyện lớn nước nhà. Người Hà Nội không vô cảm trước thế nước tình đời. Những sự cố trong năm Nhâm Thìn được đem ra mổ xẻ, một thoáng buồn thay bằng tín hiệu vui trước thềm năm mới. Toàn Đảng đang tập trung thực hiện nghị quyết quan trọng về xây dựng Đảng, mở ra kỳ vọng lớn lao về sự tăng cường sức mạnh đội ngũ, về một xã hội vận hành có trật tự, người người thượng tôn pháp luật. Một năm cũ với bao vấn đề tồn tại yếu kém của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, tham nhũng chưa thể hết ngay, nhiều hộ gia đình lo tái nghèo… đã kết thúc trong ấn tượng tích cực có từ kết quả ban đầu về siết chặt kỷ cương. Những thành tựu dù còn khiêm tốn trong lĩnh vực xuất khẩu cho đến thắng lợi mang tính kỷ lục trên mặt trận nông nghiệp mở ra hy vọng ấm áp trong năm mới 2013…
Xuân mới đã về! Đất trời thênh thang, lòng người rộng mở đón niềm vui mới, những mong Hà Nội gắng gỏi vượt qua khó khăn, nhà nhà hạnh phúc đủ đầy. Xuân này, xuân hy vọng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.