Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Một chút này" của Hà Nội

Vân Lam| 22/05/2022 06:35

(HNMCT) - Trong tiếng Việt, phần đất nằm gần ao, sông, hồ được gọi là bờ ao, bờ sông, bờ hồ. Vậy, vì sao người Hà Nội thường dùng từ "bờ hồ" để chỉ chính hồ Hoàn Kiếm? Vì sao một số tòa nhà trên phố Tràng Tiền lại có mái hiên che kín vỉa hè? Vì sao thành Hà Nội bị phá? Vì sao nước Hồ Gươm có màu xanh? Vì sao trường học lại trồng phượng? Vì sao lại gọi là chợ giời?...

Liên tiếp những câu hỏi được nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đặt ra trong cuốn sách mới nhất của mình - “Hà Nội còn một chút này”, để từ đó đưa bạn đọc tiếp tục đi dọc, đi ngang, đi xuyên, đi quanh Hà Nội mà khám phá ra vẫn còn biết bao nhiêu điều thú vị ở mảnh đất này cho dẫu trước đó đã có rất nhiều cuốn sách viết về Hà Nội.

Cái tên đầy chất thơ “Hà Nội còn một chút này” gợi nhớ thể loại tản văn, nhưng thực ra Nguyễn Ngọc Tiến vẫn theo hướng ghi chép và khảo cứu như trước đây anh thường viết. "Một chút này" của Hà Nội trong mắt Nguyễn Ngọc Tiến là chuyện phố phường mà theo nhà văn, “tính đến năm 2018, Hà Nội có 53 phố và ngõ bắt đầu bằng chữ Hàng”. Nguyễn Ngọc Tiến thông tin cho bạn đọc vì sao người Hà Nội không gọi phố Thợ Khảm mà gọi Hàng Khay, đó là bởi tất cả đồ nghề của thợ khảm đều đặt trong khay gỗ. Nhà văn cũng “tổng kết” hài hước về các loại chợ trời, chợ xanh, chợ cóc, chợ đuổi từ xưa đến nay ở Hà Nội đã “cho thấy một quy luật của kinh tế thị trường: Có cầu là có cung”. Nhà văn đưa bạn đọc đi khám phá các công trình, các di tích như “Phủ Chủ tịch, dinh thự sang trọng nhất Đông Dương”, “Khám phá Nhà hát Lớn Hà Nội”, “Từ quảng trường Tròn đến Ba Đình và những ô cỏ”, “Tượng đài Trận vong ở vườn hoa Lenin”, “Từ Ấu Trĩ viên đến cung Thiếu nhi”...

"Một chút này" của Hà Nội trong mắt Nguyễn Ngọc Tiến còn in dấu ấn của những con người có duyên với mảnh đất này, qua những bài viết thú vị như “Những vị khách châu Âu đầu tiên du lịch đến Hà Nội”, “Người Nam ở Hà Nội”, “Chuyện đồ Mỹ Ký”, “Người nước ngoài ở Hà Nội trong thế kỷ 20”, “Gái Thụy Điển lấy trai Việt phải nhờ ông Phạm Văn Đồng”...

Và dĩ nhiên, "một chút này" của Hà Nội không thể bỏ quên ẩm thực với các bài viết “Từ cơm sáng đến quà sáng”, “Đá và trà đá”, “Câu chuyện bánh mì” hay biết bao đặc sản ở vùng ngoại ô Hà thành đã “gây thương nhớ” cho nhà văn. Nào giò làng Chèm, nem làng Vẽ, nào “Tứ Kỳ gánh cân, Pháp Vân gánh nánh” hay “An Phú nấu kẹo mạch nha/ Kẻ Vòng làm cốm để mà tiến vua”. Nào món bún ốc nguội làng Khương Thượng, bánh giò làng Đình Quán, hay xôi lúa và bánh đúc rưới hành mỡ ở Tương Mai “ngon kinh hoàng”.

Đưa ra câu hỏi để dẫn dụ độc giả, rồi đưa ra những bài viết trả lời dựa vào kết quả sau bao kỳ công nghiên cứu tư liệu văn hóa - lịch sử liên quan, điều đọng lại cuối cùng mà Nguyễn Ngọc Tiến muốn gửi đến: Hà Nội còn một chút này, hãy giữ lại những gì còn lại, kẻo thế hệ tương lai biết lấy gì để thấy ngày xưa. Mà ngày xưa chính là lịch sử!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Một chút này" của Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.