Sách

Những cánh thư kể chuyện chiến trường

Bài và ảnh: Hạ Yến 28/04/2025 - 05:58

Khi chiến tranh lùi xa, những dòng nhật ký, những bức thư tay riêng tư lại trở thành kỷ vật chung của cả dân tộc, giúp các thế hệ sau hiểu được phần nào quan niệm, lý tưởng, lẽ sống, sự cống hiến và hy sinh của thế hệ cha ông để có được hòa bình, hạnh phúc hôm nay.

Nếu có dịp đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hay đi thăm Thành cổ Quảng Trị, du khách có thể được đọc hoặc lắng nghe những câu chuyện vô cùng xúc động từ một bức thư hay trang nhật ký của những liệt sĩ đã mãi nằm lại nơi chiến trường. Nhà báo Đặng Vương Hưng, người sưu tầm, biên soạn những cuốn sách nổi tiếng như “Nhật ký thời chiến Việt Nam” và “Những lá thư thời chiến Việt Nam” chia sẻ: “Viết thư hay ghi nhật ký đều không phải là làm văn, mà trước hết đó chính là cuộc đời. Không có một người nào khi đặt bút viết những dòng chữ ấy lại nghĩ rằng, sau mấy chục năm nữa chúng sẽ được in thành sách và họ trở thành những tác giả... Bởi thế, tất cả đều chân thực và sinh động đến kỳ lạ”.

canh-thu.jpg
Một số cuốn sách về các lá thư thời chiến.

Trong tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” (NXB Chính trị Quốc gia Sự thật), tác giả của những lá thư xuất thân từ nhiều ngành nghề với nhiều trình độ học vấn khác nhau. Họ có thể là trí thức, là công nhân, nông dân, nghệ sĩ, hay học sinh, sinh viên. Có những lá thư mộc mạc chân chất, có những lá thư thấm đẫm chất văn chương, cũng có lá thư được viết bằng thơ; lại có những lá thư người đứng tên không biết chữ phải nhờ người khác viết hộ... - chính điều đó đã khiến độc giả khó có thể cầm lòng trước những trang viết máu thịt. Đó là sự rưng rưng khâm phục trước những tâm tình của anh hùng liệt sĩ Hoàng Kim Giao, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, liệt sĩ Lê Trọng Dũng...; là những ngậm ngùi xót xa thương cảm cho những ước mơ cao đẹp còn dang dở của người lính pháo binh Nguyễn Văn Thân hay các anh lính sinh viên Nguyễn Duy Trung, Đặng Thế Cường... Đó là niềm xao xuyến trước màu xanh của đất trời Quảng Trị cùng liệt sĩ Phan Sỹ Đoái trong khoảnh khắc yên bình giữa hai trận đánh, hay phút nghẹn lòng khi thấy anh Nguyễn Đặng Ngãi “trước giờ xuất phát, đúng như dự kiến lời hẹn, con đã được gặp mẹ”, nhưng dù cố nhoài ra khỏi tàu để mẹ trông thấy, dù la đến cháy cổ họng, “vậy mà tàu qua rồi mẹ mới thấy con. Con rất đau khổ khi nhìn thấy mẹ ngồi thụp xuống và lăn lóc ở đường cái, trên tay còn bế Oanh...”.

Rất nhiều chi tiết đời thường mà người trẻ sống trong hòa bình hôm nay rất khó có thể hình dung, như chính liệt sĩ Phạm Ngọc Hùng từng tâm sự trong lá thư gửi cho bố mẹ rằng anh “muốn trở thành một nhà văn để viết hết lên những người con anh hùng trong thời đại anh hùng. Có nhiều câu chuyện nếu chính mình không được tham gia thì có thể cho là hoang đường vì nó quá sức tưởng tượng của mình”. Cuốn sách “Những bức di thư Thành cổ” (NXB Trẻ) tập hợp 10 bức di thư được viết hoặc được đọc trong khói lửa chiến trường của 81 ngày đêm đỏ lửa, trong đó có những bức thư mà người lính mới chỉ viết được một đoạn trong những thời khắc nghẹt thở của cuộc chiến, hoặc vài dòng thư kịp gửi vội cho những đồng đội bị thương chuyển về phía sau may mắn đến tay người thân ở hậu phương, có những bức thư chưa kịp gửi, được khai quật sau mấy chục năm cùng với thi hài liệt sĩ.

Những bức thư của người lính luôn thấm đẫm yêu thương, thấm cả máu và mồ hôi của họ. Sống giữa đạn bom và khói lửa, những người lính quên mình mà chỉ nhớ an ủi, động viên người thân, khi thì lo lắng hầm trú bom của nhà không đủ kiên cố, lúc dặn dò em gái ở phương xa cố gắng học hành, thậm chí còn chu đáo đến mức dặn người nhà nhớ trả cho hàng xóm giúp anh hai bìa đậu phụ và một quả chanh mà buổi tối ngày anh về phép bất ngờ, gia đình không kịp mua thức ăn, phải sang vay tạm hàng xóm.

Và đặc biệt là những lá thư đôi lứa luôn khiến độc giả trẻ hôm nay ngưỡng mộ về những câu chuyện tình yêu đẹp đẽ vượt qua lửa đạn chiến tranh. Đó là những bức thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi viết cho người yêu, thư của người lính pháo binh Đỗ Sâm gửi về cho vợ, lá thư tình không gửi của người lính Nguyễn Sỹ Quế viết cho vợ chưa cưới, hay lá thư chan chứa yêu thương gửi vợ của anh lính Nguyễn Trí Phước - nguyên mẫu trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng... Gần đây, cuốn sách “Thư cho em” về chuyện tình của tướng Hoàng Đan và vợ - bà Nguyễn Thị An Vinh, một nữ đại biểu Quốc hội những khóa đầu, nhận được nhiều sự chú ý từ công chúng, đặc biệt là người đọc trẻ. Chỉ sau hơn một tháng kể từ ngày chính thức phát hành, cuốn sách "Thư cho em" của tác giả Hoàng Nam Tiến, con trai tướng Hoàng Đan và vợ, đã “cháy hàng” liên tục và được tái bản tới 4 lần. Và hiện nay, sau một năm ra mắt, cuốn sách đã được tái bản lần thứ 9, đồng thời cũng đã ra mắt phiên bản sách nói.

Bên cạnh những lá thư trao đi gửi lại với người thân, có nhiều bức thư thời chiến rất đặc biệt. Như thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho bác sĩ Vũ Đình Tụng - một người cha có con là liệt sĩ, trong đó có đoạn: “Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài, và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng”. Với gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng, “lá thư riêng này mang nặng tình cảm của cả núi sông, của lịch sử”. Hay các lá thư của Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng xin cho hai con trai nhập ngũ đánh giặc, thư của nữ tướng Nguyễn Thị Định gửi cho đồng đội, những lá thư gửi các đồng chí lãnh đạo ở các chiến trường miền Nam của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Dày khoảng 400 trang viết, cuốn sách “Thư vào Nam” của Tổng Bí thư Lê Duẩn như một văn kiện quý giá, góp phần vào tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cánh thư kể chuyện chiến trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.