Trong những ngày rộn rã cờ hoa, giới trẻ náo nức “đi đu concert Quốc gia” vẫn rỉ tai nhau nhớ phải “ôn” luyện kiến thức lịch sử kẻo bất ngờ được các phóng viên “kiểm tra bài”. Một trong những “bộ đề cương chuẩn” chính là những cuốn sách, truyện lịch sử hướng đến độc giả thanh, thiếu niên.
Sau đại lễ 30-4, độc giả lại náo nức hướng về ngày 7-5 để tìm hiểu chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Từ nhiều năm nay, các đơn vị xuất bản như NXB Quân đội nhân dân, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng... vẫn đều đặn xuất bản, tái bản những cuốn sách về Điện Biên Phủ ở các thể loại, từ các công trình nghiên cứu, hồi ức, hồi ký, đến thơ, tiểu thuyết... Với mong muốn trang bị kiến thức lịch sử cho độc giả nhỏ tuổi, giáo dục lòng yêu nước, nhắc nhớ lòng biết ơn với các thế hệ cha anh đi trước và trân trọng hòa bình, hạnh phúc hôm nay, “thiên sử vàng” Điện Biên Phủ tiếp tục được tái hiện trong rất nhiều trang sách với hình thức bắt mắt, nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ đọc và dễ nhớ.
Trong số đó, “70 câu hỏi - đáp về chiến thắng Điện Biên Phủ” là cuốn sách không thể bỏ qua nếu độc giả trẻ muốn tìm hiểu về các địa danh, các tấm gương anh hùng, các liệt sĩ hay về các chiến dịch, chiến thuật... Cuốn sách được coi là cẩm nang bổ ích với cách thể hiện giản đơn, gần gũi. Bên cạnh đó là các cuốn tranh truyện, sách tranh về Điện Biên Phủ với hình thức bắt mắt, hấp dẫn. Nhà văn Hữu Mai, một trong những tác giả nổi tiếng về đề tài chiến tranh với “Cao điểm cuối cùng”, “Vùng trời”, “Ông cố vấn”... và là người thể hiện sinh động các cuốn hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên Phủ”, “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử”, đã “Kể chuyện Điện Biên Phủ” cho độc giả nhỏ tuổi bằng lối viết ngắn gọn, hấp dẫn. Cuốn tranh truyện “Kể chuyện Điện Biên Phủ” qua lời kể của nhà văn Hữu Mai đã được tái bản nhiều lần với nhiều phiên bản tranh vẽ minh họa công phu, sinh động.
Nhà văn Hữu Mai còn tiếp tục kể chuyện Điện Biên trong cuốn sách “Điện Biên Phủ của chúng em” (nhiều tác giả): “Từ Thủ đô tươi đẹp, đôi cánh bạc của chiếc máy bay hàng không dân dụng rẽ gió đưa chúng ta về miền Tây Bắc của Tổ quốc. Một giờ sau, một cánh đồng mênh mông hiện ra giữa biển núi xanh biếc. Các em đã đến đất Điện Biên Phủ anh hùng...”. Tiếp đó, qua tập truyện ngắn “Người thợ chữa đồng hồ tại đường hầm số 1”, độc giả được “gặp” những chiến sĩ Điện Biên kiên cường, dũng cảm trước bom rơi đạn nổ nhưng lại chất phác, hiền hậu trong từng khoảnh khắc đời thường mỗi ngày.
Mang Điện Biên Phủ đến với độc giả nhỏ tuổi còn có nhiều hồi ức được kể lại ngắn gọn, đầy xúc động, kèm tranh, ảnh minh họa. Đó là cuốn “Ký họa trong chiến hào - Nhật ký chiến tranh của một người lính trẻ trong chiến dịch Điện Biên Phủ” của họa sĩ - phóng viên chiến trường Phạm Thanh Tâm với những bức ký họa là tư liệu hiếm hoi còn sót lại từ chiến trường. Là tập truyện ký “Những ký ức Điện Biên” và “Lá cờ chuẩn đỏ thắm” như ký sự nhân vật về những chân dung đã góp mặt, góp công làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Hay là cuốn sách “Người lính Điện Biên kể chuyện” của nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn, người từng là chiến sĩ đánh đồi A1 tại Điện Biên Phủ năm 1954. Nhà báo Kiều Mai Sơn đã thể hiện lại lời kể của ông Đỗ Ca Sơn bằng những câu văn hết sức chân thành: “Tôi không kể lịch sử chiến dịch, không kể về những diễn biến của chiến dịch, mà tôi kể những mẩu chuyện những người lính chúng tôi ở Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 đã chiến đấu như thế nào, đã sống như thế nào trong 56 ngày đêm ấy. Cuộc chiến đấu qua 56 ngày đêm rất sinh động mà nhiều đồng đội của tôi đã nằm xuống, không thể kể được nữa. Những người còn sống không muốn kể về mình, cũng có khi không biết kể về mình, mặc dù họ là những dũng sĩ - những dũng sĩ thực sự trên đồi A1 và xung quanh đồi A1”.
Bên cạnh đó, còn có nhiều trang văn, thơ về Điện Biên phù hợp với các độc giả thanh, thiếu niên. Có thể kể tới tập truyện ngắn “Những ký ức Điện Biên” tuyển chọn nhiều tác phẩm hay về Điện Biên như “Người tù binh da đen”, “Kéo pháo”, “Đột phá khẩu", “Chiến sĩ phá bom”; tập thơ “Điện Biên chiến thắng, Điện Biên thơ” giới thiệu những bài thơ “đi theo năm tháng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà thơ Tố Hữu, Chính Hữu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Anh Ngọc, Hoàng Nhuận Cầm...; các tiểu thuyết “Phía núi bên kia”, “Người người lớp lớp”; hay các cuốn tranh truyện về nhân vật “Phan Đình Giót”, “Bế Văn Đàn”, “Tô Vĩnh Diện”... Đặc biệt phải kể đến truyện dài “Mùa ban thay áo” của một tác giả sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Sinh năm 1995 tại Nghệ An, tác giả Phan Đức Lộc tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân sau đó về Điện Biên công tác. Anh chia sẻ: “Sáu năm sinh sống và làm việc tại Điện Biên, tôi luôn ấp ủ dự định viết một cuốn sách về mảnh đất thiêng liêng này. Như thể nơi lồng ngực tôi, một hạt ban nhỏ đang thao thức cựa mình, thôi thúc tôi cầm bút. Khi sự trải nghiệm đủ chín, sự cảm nhận đủ chạm, tôi mang những điều tôi ấn tượng vào truyện dài “Mùa ban thay áo”, thật tự nhiên, mộc mạc. Và tôi tự hỏi, cây ban có một trái tim hay trái tim tôi vừa mọc một cây ban?”.
Tin rằng, với sự quan tâm của độc giả, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các tác giả giống như nhà văn Phan Đức Lộc, dù không trải qua chiến tranh nhưng vẫn tiếp tục viết về chiến tranh qua các tài liệu nghiên cứu và bằng tấm lòng tri ân của người trẻ trước những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.