Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mộng đào xuân Hà Nội phố

Hoài Hương| 14/02/2018 18:12

(HNM) -  Một e ấp nụ chúm chím đông/Hai mê hoặc hoa hư ảo hồng/Ba nõn nà xanh ma mị lá/Bốn mộng mơ tình dịu dàng Xuân.

Một e ấp nụ chúm chím đông
Hai mê hoặc hoa hư ảo hồng
Ba nõn nà xanh ma mị lá
Bốn mộng mơ tình dịu dàng Xuân.


Không biết tự bao giờ mà hoa đào được chọn là loài hoa đón xuân của Kinh thành Thăng Long, phải chăng sắc xanh nõn nà của mầm lá, sắc hồng hư ảo của nụ, sắc đỏ rực của cánh hoa cho ước vọng may mắn của một năm mới? Hay sắc thắm của hoa còn được xem như màu của thần linh trấn yêu, trừ ma quỷ theo tích xưa nên hoa đào như “linh hoa” của Tết Nguyên đán nơi kinh thành? Chỉ biết là nếu không có những đốm đỏ hồng như ngọn lửa nhỏ của hoa đào trong gió lạnh thì xuân nhạt mất khí sắc, cho dù vẫn có muôn hoa ngàn tía rỡ ràng đón xuân.

Chẳng biết tự khi nào, nhưng ít nhất cũng cả trăm năm nay, những ngày giáp Tết Nguyên đán, thì như một mặc định, chợ hoa Hàng Lược trở thành một rừng hoa đào di động quyến rũ mọi người đến ngắm hoa. Hoa đào của các làng trồng đào danh tiếng ven đô và các vùng xung quanh tập trung về đây, có cả những sắc đào từ rừng Tây Bắc ngược về xuôi. Nam thanh nữ tú, tao nhân mặc khách, thi họa nhân gian, từ già đến trẻ… gần như tụ tập về đây, để rồi chen trong sắc đào, cả một cõi hồng trần nhộn nhịp, ồn ào, náo nhiệt…

Long lanh giọt ngọc đậu nhành non
Mơn man hương gió chạm nụ tròn
Tương tư đào viên sương khói mỏng
Bảng lảng mỹ nhân dạo gót son.


Tôi từ phương Nam nắng vàng mật, lấy cớ ngắm hoa đào trong mưa xuân nên bay ra với em Hà Nội. Để rồi như một giấc mộng đào xuân, tôi được em đưa đi như trong cổ tích lạc vào vườn đào huyền thoại Kinh thành Thăng Long xưa, với hàng ngàn gốc đào bích, đào phai cổ thụ đủ mọi dáng thế. Cảm giác thật lạ khi chạm vào những nụ đào phơn phớt hồng, như nghe được chuyển động mơ hồ, để rồi như bị thôi miên khi thấy từ những cánh hồng phai mềm mại trong suốt, tách dần từng cánh, xòe ra như một mời gọi ma mị.

Như đi trong cõi thần tiên khi em đưa tôi đến bên một gốc đào bích hình thù cổ quái, không biết bao tuổi, nhưng thân cành vươn ra hàng trăm nhánh to, màu hoa thắm như môi son thiếu nữ đầy mê hoặc. Khí lạnh mịn đặc như miếng thạch trắng, sương mù phủ màu khói nhạt mỏng manh càng làm cho sắc đỏ của cây đào bích rực lên. Nghe trong thinh không có tiếng lao xao nhẹ như hơi thở, phải chăng những cánh hoa đào đang trò chuyện bằng mật ngữ riêng của mình? Mà hình như những cánh đào đang tỏa mùi hương bảng lảng quyến rũ, hay từ trong vườn đào có những nàng tiên nữ ghé xuống phàm trần thưởng hoa vương lại hương thơm hư ảo? Dường như tôi đang chạm vào mỗi cành hoa, mỗi chồi lá, để cảm giác nghe được mùi hương của âm thanh? Bên tôi là em Hà Nội, đẹp như một nụ đào xuân, mộng và thực đan xen ngọt ngào.

Trở về phố, nắm tay em Hà Nội đi ngắm những cành đào được cắt tỉa công phu, cắm trong những cái độc bình dáng cổ men lam bày trang trí trong những cửa hàng lộng lẫy, chợt nhớ câu chuyện cũ được nhà văn Hà Ân, một chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, người Hà Nội, kể lại khi ông còn sống. Ông kể, Tết năm 1947, khi ấy Trung đoàn Thủ đô “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đang chiến đấu trong thành Hà Nội, nhưng vẫn chuẩn bị một tiệc tất niên mời khách ngoại giao đoàn quốc tế. Lúc đó, mọi thứ cho bàn tiệc đã đầy đủ, chỉ thiếu một cành đào, không có đào thì chưa phải tiệc Xuân, nhưng có cành đào thì không hề dễ, phải vượt qua rất nhiều điểm đang giao tranh giữa Việt Minh - quân đội Pháp, để ra ngoại thành mang về. Một tổ ba người trong đó có ông đã được cử đi, sau nửa ngày, họ hoàn thành nhiệm vụ, mang về một cành đào bích Nhật Tân tuyệt đẹp. Bữa tiệc tất niên đó đã để lại ấn tượng sâu sắc với khách ngoại giao đoàn từ chính cành đào bích, họ nói rằng, cành đào như một biểu tượng chiến thắng của Việt Minh, và họ tin vào điều đó.

Nếu mùa xuân Kinh thành Thăng Long mà không có hoa đào sao là Xuân? Có phải vậy mà Hà Nội phố giáp Tết Nguyên đán là nơi tụ hội của ngàn sắc hoa lộng lẫy, kiêu sa, rực rỡ…, nhưng hoa đào lại luôn nổi bật bởi nhan sắc mong manh sương khói diễm lệ, đặc biệt tao nhã, để khi đối diện với hoa, là sự chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn, nâng niu… Đào không chỉ là đẹp, mà còn là “linh hoa” của Xuân Hà Nội, cũng phải cầu kỳ chọn cây từ những dáng thế như: Long giáng, Phượng vũ, Bạt phong, Song thụ, Huynh đệ đồng khoa, Tráng sĩ tung hoành, Trực xiên, Tam đa, Tam tài, Ngũ phúc, Song long, Độc hành, Túy ông, Tiều phu quải tử, Nhất trụ quy thiên, Thượng mã, Giai nhân, Dáng trực, Gió lùa, Thác đổ, Phụ tử, Mẫu tử... Chọn cành, thì luôn chọn những cành có dáng thế tròn, các cành nhỏ quấn quýt tụ hội, như một sự tròn đầy viên mãn, hay có dáng vươn cao như một sự phát đạt thăng tiến… để tượng trưng cho ước vọng năm mới tốt đẹp, phồn vinh, an bình…

Và em Hà Nội trong tôi như nụ đào phai, như cánh đào bích, để khi về phương Nam nắng gió, tôi tương tư em mỗi khi Xuân về Tết đến, như một giấc mộng đào xuân Hà Nội phố.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mộng đào xuân Hà Nội phố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.