(HNMO) - Chiều 14-5, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến về tình hình, kết quả cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính...
Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu và đại diện các sở, ngành cùng dự.
Hội nghị giao ban trực tuyến. |
Thông tin đáng lưu ý là thời gian qua, đã có 177 thủ tục hành chính quy định tại 38 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được các bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động. Tuy nhiên, việc kiểm soát khâu ban hành thủ tục hành chính vẫn chưa chặt chẽ. Minh chứng qua quá trình thẩm tra của Văn phòng Chính phủ cho thấy, bên cạnh các bộ và địa phương làm tốt như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Hải Dương, Thanh Hóa, vẫn còn phát sinh những đơn vị làm chưa tốt.
Liên quan đến tiến độ tổ chức, kiện toàn bộ phận “một cửa”, Văn phòng Chính phủ thông tin, đến nay, 100% các văn phòng bộ, địa phương đã tiếp nhận nhiệm vụ tổ chức, triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính theo đúng chỉ đạo.
Về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nhìn tổng thể, đến nay, các bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.425/6.191 điều kiện kinh doanh (vượt 10,6% so với yêu cầu); trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành (vượt 36,5% so với yêu cầu); giúp tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công, tương đương trên 6.300 tỷ đồng.
Để kiểm soát chặt chẽ việc thực thi các phương án cắt giảm, bảo đảm kết quả cải cách đi vào cuộc sống và không phát sinh thêm điều kiện kinh doanh, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trong quá trình xây dựng, thực hiện pháp luật, Thủ tướng đã chỉ đạo phải tổng hợp, công bố, công khai danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh sau khi cắt giảm. Tuy nhiên đến nay, mới có 6 bộ gửi kết quả rà soát, tổng hợp, công bố công khai về số lượng sản phẩm kiểm tra chuyên ngành sau khi cắt giảm. Các bộ nợ báo cáo, gồm: Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế.
Các bộ chưa gửi báo cáo kết quả rà soát, tổng hợp, công bố công khai số lượng điều kiện kinh doanh sau khi đã cắt giảm, đơn giản hóa theo từng ngành, lĩnh vực quản lý, gồm: Công an; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Công Thương; Khoa học và Công nghệ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quốc phòng; Tài chính; Tư pháp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định, công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đăng ký kinh doanh đã có nhiều bước tiến. Tuy vậy, ông Mai Tiến Dũng cũng cho rằng dư địa để cải cách, cắt giảm điều kiện đăng ký kinh doanh vẫn còn nhiều.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc kiểm tra, rà soát, công khai thủ tục hành chính để tạo động lực cho tăng trưởng. Quá trình thực hiện cần đặc biệt lưu ý bãi bỏ, chấm dứt quy định thủ tục hành chính trong công văn hướng dẫn.
Tại điểm cầu Hà Nội, đại diện UBND thành phố cho hay, 100% thủ tục hành chính của thành phố đều được thực hiện tại bộ phận “một cửa”. Hà Nội cũng đã hoàn thành việc thiết lập cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin “một cửa” điện tử dùng chung ba cấp, thực hiện ở 584 xã, phường, thị trấn; 30 quận, huyện, thị xã và 20 sở, ban, ngành. Tính đến nay, 96% hồ sơ (1.007.936/1.049.934 hồ sơ) đã giải quyết đúng thời hạn, trong đó 148.760/1.049.934 hồ sơ giải quyết trực tuyến. Số thủ tục hành chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 là 1.047/1.837 thủ tục hành chính, đạt 57%. Trong đó: 314 dịch vụ công trực tuyến do bộ, ngành và một số đơn vị triển khai; 733 dịch vụ công trực tuyến do thành phố triển khai tập trung. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.