Phát biểu tại phiên họp thứ ba, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định: “Còn nhiều việc phải làm trong công tác cải cách thủ tục hành chính, nên phải tiếp tục nỗ lực, thay đổi cách nghĩ, cách làm. Bởi nếu không tiếp tục cải cách, việc sẽ không thông, không chạy. Chúng ta sẽ thua, sẽ thất bại”.
Cải cách hiểu đơn giản là đổi khác đi, làm cho biến đổi thành khác trước, là sửa đổi những bộ phận cũ không hợp lý cho thành mới, đáp ứng yêu cầu của tình hình khách quan. Hoặc cũng có thể hiểu cải cách là cách thay đổi phương pháp, hành động của một công việc, hoặc một hoạt động cụ thể để đạt mục tiêu tốt hơn. Như vậy, cải cách là hướng tới cái mới, cái tốt đẹp hơn. Nhờ đẩy mạnh cải cách mà các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc có nền kinh tế phát triển vượt bậc. Đơn cử Singapore, có diện tích nhỏ, dân số ít, tài nguyên thiên nhiên không nhiều, nhưng quốc đảo này lại là hình mẫu phát triển kinh tế đầy năng động. Sự phát triển thần kỳ của nước này xuất phát từ việc cải cách hành chính được quan tâm thực hiện từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX...
Ở nước ta, cải cách, nhất là cải cách hành chính được Đảng xác định là nhiệm vụ trọng tâm của quá trình xây dựng và hoàn thiện hiệu lực bộ máy nhà nước. Ở từng giai đoạn phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước có những biện pháp cụ thể nhằm cải cách, đổi mới nền hành chính nhà nước phù hợp với yêu cầu của quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Trong quá trình đó, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề quan trọng về cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ước tính, đến nay đã có hơn 2.700 quy định kinh doanh và 561/1.086 thủ tục hành chính theo 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ được cắt giảm, đơn giản hóa; 156/699 thủ tục hành chính được phân cấp giải quyết. Bên cạnh đó, hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4%...
Việc đẩy mạnh cải cách hành chính đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao các chỉ số của Việt Nam. Nền hành chính chuyển biến tích cực theo hướng dân chủ, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước.
Rõ ràng, cải cách có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Khi cải cách được thúc đẩy, nền kinh tế tăng tốc, đất nước phát triển. Ngược lại, khi cải cách bị trì hoãn, nền kinh tế ì ạch, đất nước tụt hậu. Lịch sử Việt Nam, nhất là gần 40 năm đổi mới đất nước cho thấy, hầu như các biện pháp cải cách đều tạo ra lợi ích cho người dân và nền kinh tế... Hiện công tác cải cách hành chính ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực, song vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, có những quy định chưa phù hợp, chưa theo kịp xu thế phát triển. Do đó, nếu không tiếp tục cải cách hành chính thì chắc chắn “việc sẽ không thông, không chạy. Chúng ta sẽ thua, sẽ thất bại” và đối diện với nguy cơ tụt hậu.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính là hết sức quan trọng. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan cần tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong từng bộ, ngành, địa phương và giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau. Đặc biệt là cần triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27-10-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó cần dứt khoát bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí tại các văn bản quy phạm pháp luật; nhanh chóng, kịp thời chấm dứt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính qua nhiều cơ quan, đơn vị...
Trong tiến trình phát triển đất nước, phía trước chúng ta không chỉ có thời cơ và thuận lợi mà còn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Với bản lĩnh, ý chí và năng lực, chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính để tránh nguy cơ tụt hậu, sớm đạt được khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.