Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở rộng diện trợ giúp pháp lý: Cần bảo đảm nguồn nhân lực

Hà Phong| 19/10/2017 07:24

(HNM) - Có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 thể hiện bản chất nhân văn, tiến bộ của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách, thiệt thòi trong xã hội khi mở rộng diện được trợ giúp so với luật hiện hành. Điều này đặt ra yêu cầu cần chuẩn bị kỹ các điều kiện, nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng lớn.

Một buổi trợ giúp pháp lý lưu động cho người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.


14 đối tượng được trợ giúp pháp lý


So với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, diện người được trợ giúp theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được mở rộng từ 6 lên 14 đối tượng. Theo đó, 2 đối tượng được kế thừa hoàn toàn từ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 là người thuộc hộ nghèo và người có công với cách mạng; 2 đối tượng được kế thừa và mở rộng là trẻ em không nơi nương tựa thành tất cả trẻ em, người dân tộc thiểu số "thường trú" được mở rộng thành "cư trú" tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 bổ sung 2 đối tượng là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi (đang thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự) và người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo…

Với quan điểm lấy người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, luật năm 2017 nêu rõ, các đối tượng trên sẽ không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác. Đồng thời, luật bổ sung nhiều điểm mới nhằm tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ. Chẳng hạn như quy định phải công bố danh sách người, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý để người dân biết và thực hiện quyền lựa chọn của mình.

Cần nhân lực đáp ứng yêu cầu mới

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 được ban hành với nhiều kỳ vọng lớn mà Quốc hội và Chính phủ đã gửi gắm. Đó là sự thể hiện bản chất nhân văn, tiến bộ của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách và thiệt thòi trong xã hội; tạo bước chuyển biến căn bản trong nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý đối với các đối tượng chính sách, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.

Thời gian từ nay đến ngày luật có hiệu lực không còn nhiều, Bộ Tư pháp đang gấp rút phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết, thi hành luật theo thẩm quyền, bảo đảm hiệu lực thi hành đồng thời với luật; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan hiện không còn phù hợp để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.

Bên cạnh yêu cầu phải có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết đi kèm khi luật có hiệu lực, cần chuẩn bị kỹ các điều kiện, nguồn nhân lực để bảo đảm tính khả thi của luật. Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn Hoàng Thúy Duyên cho biết, với việc mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý, dự kiến địa phương sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân do lực lượng người thực hiện còn mỏng (6 trợ giúp viên và 7 luật sư cộng tác viên).

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Nguyễn Thị Minh cho biết, ngoài đội ngũ trợ giúp viên pháp lý được Nhà nước tuyển dụng để chuyên thực hiện trợ giúp pháp lý trong toàn quốc, tới đây, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố có trách nhiệm ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và trả thù lao cho các tổ chức này. Song không phải bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có nguyện vọng đều được tham gia trợ giúp pháp lý như luật năm 2006. Theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, để được tham gia cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý, các tổ chức, cá nhân cần đáp ứng yêu cầu, điều kiện tối thiểu do luật định để bảo đảm chất lượng dịch vụ cung cấp cho người được trợ giúp pháp lý.

Cơ chế ký hợp đồng trợ giúp pháp lý sẽ tạo sự cạnh tranh giữa các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Nhà nước cũng sẽ lựa chọn được những tổ chức tốt nhất để cung cấp dịch vụ có chất lượng cho người được trợ giúp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng diện trợ giúp pháp lý: Cần bảo đảm nguồn nhân lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.