Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người lao động

Hà Phong| 28/11/2022 07:09

(HNM) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 2,5 triệu lao động thuộc các thành phần kinh tế. Vấn đề tìm hiểu pháp luật về an ninh trật tự, nhà ở, nhà trẻ, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ công nhân lao động là nhu cầu đòi hỏi bức thiết của người lao động. Thực trạng trên đặt ra cho tổ chức Công đoàn thành phố Hà Nội cần có giải pháp để đáp ứng những nhu cầu đó của đoàn viên, người lao động.

Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động công đoàn Hà Nội tuyên truyền chính sách cho công nhân. Ảnh: Phạm Diệp

Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, thời gian qua, Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội đã thực hiện khá tốt việc tư vấn pháp luật cho người lao động với nhiều hình thức đa dạng, như: Trực tiếp, hộp thư điện tử, điện thoại, lưu động; phối hợp tư vấn giải quyết các tranh chấp lao động tại cơ sở; tham gia xây dựng nội quy lao động đối với đơn vị doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở.

Tính riêng trong giai đoạn 2018-2020, trung tâm đã phối hợp với các ngành: Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Tư pháp... cùng các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bước đầu thực hiện tốt việc hỗ trợ pháp lý, đại diện bảo vệ người lao động tại tòa án. Theo đó, đã đại diện người lao động khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân cho 38 người lao động đòi nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bồi thường tranh chấp về chấm dứt hợp đồng lao động với số tiền bồi thường 1,45 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Hà Nội ngày càng có nhiều lao động thuộc các thành phần kinh tế đến làm việc. Tính riêng trong 9 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có khoảng 170.000 lao động, chủ yếu là lực lượng lao động ngoại tỉnh. Số lượng đoàn viên, người lao động được tư vấn còn thấp so với nhu cầu. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu tình hình mới, tháng 10 vừa qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã phát triển Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn Hà Nội thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động công đoàn Hà Nội.

Ngay sau khi đi vào hoạt động, số lượng cán bộ có năng lực, trình độ, kinh phí đầu tư được tăng cường, gắn hoạt động của trung tâm với nhu cầu của số đông công nhân lao động. Nhiều hoạt động hỗ trợ pháp lý trực tuyến đã được tổ chức hiệu quả. Phạm vi hoạt động không chỉ là tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý mà còn là hỗ trợ cho người lao động các dịch vụ thiết yếu, giúp ban chấp hành Công đoàn các cấp triển khai thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật và một số hoạt động khác liên quan đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

Đánh giá về hướng đi trên, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho rằng, trong bối cảnh thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang ký kết, thực hiện, dự báo tương lai gần sẽ xuất hiện tổ chức đại diện người lao động khác, cạnh tranh trực tiếp với tổ chức Công đoàn Việt Nam. Việc Công đoàn Thủ đô đổi mới, hướng vào việc thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động là rất cần thiết. Đây là mô hình hoạt động không chỉ mới với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội mà còn với cả tổ chức Công đoàn. Vì vậy, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cần theo dõi sát sao, hỗ trợ ban chấp hành Công đoàn các cấp trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật.

Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2023, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động công đoàn Hà Nội sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ và cộng tác viên chuyên nghiệp, đủ về số lượng, chuyên sâu trong lĩnh vực pháp luật lao động, công đoàn. Phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 70% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức Công đoàn có nhu cầu tư vấn và tranh tụng, sẽ có đại diện công đoàn tham gia; đến năm 2025, ít nhất từ 70% trở lên đoàn viên công đoàn được tiếp cận, công đoàn hỗ trợ về các dịch vụ thiết yếu và được tư vấn, hỗ trợ pháp lý khi có nhu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.