Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự thể hiện sự phối hợp thiết thực trong việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người được trợ giúp pháp lý.
Ngày 24-11, tại trụ sở Bộ Công an đã diễn ra Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.
Chủ trì lễ ký kết có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc ký kết Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự đã thể hiện sự phối hợp ngày càng chặt chẽ, thiết thực của hai bộ trong việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người được trợ giúp pháp lý trong việc tiếp cận thông tin trợ giúp pháp lý ở giai đoạn điều tra hình sự, hướng tới việc lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý làm trung tâm việc ký kết.
Theo Đại tướng Tô Lâm, sự tham gia sớm của trợ giúp viên pháp lý trong quá trình điều tra các vụ án hình sự giúp người bị buộc tội, người bị kiến nghị khởi tố yên tâm hơn, hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình, qua đó góp phần giúp các điều tra viên điều tra vụ án được khách quan, nhanh chóng, đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng điều tra viên cũng như công tác điều tra.
Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị, các cơ quan chuyên môn thuộc mỗi bộ sẽ tiếp tục phối hợp, giúp cho liên ngành sớm tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Chương trình phối hợp. Hai ngành cần tiếp tục tập huấn nâng cao trình độ cho trợ giúp viên pháp lý, cán bộ điều tra, cán bộ được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cán bộ cơ sở giam giữ, công an cấp xã.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, công tác trợ giúp pháp lý của ngành Tư pháp đã và đang ngày càng nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của ngành Công an, từ việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác trợ giúp pháp lý, đến phối hợp triển khai các hoạt động cụ thể như thực hiện giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý cho người bị buộc tội; số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý do cơ quan cảnh sát điều tra công an các cấp chuyển đến Trung tâm trợ giúp pháp lý tăng dần qua từng năm.
Các cơ quan điều tra đều tạo điều kiện thuận lợi cho người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện các thủ tục tố tụng như đăng ký bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho người được trợ giúp pháp lý, nghiên cứu hồ sơ…; tạo điều kiện cho người dân sử dụng các công cụ, dịch vụ pháp lý, trong đó có dịch vụ trợ giúp pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tố tụng.
Bộ trưởng Lê Thành Long mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của Bộ Công an trong hướng dẫn, chỉ đạo công an các cấp phối hợp với sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện đầy đủ các công việc tại chương trình này.
Trước sự chứng kiến của hai Bộ trưởng và lãnh đạo hai bộ, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã ký kết Chương trình phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.
Chương trình được thực hiện trong tất cả trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và toàn bộ hệ thống cơ quan điều tra của Công an nhân dân, các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, hệ thống cơ sở giam giữ thuộc Công an nhân dân, công an xã, phường, thị trấn trong phạm vi toàn quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.