Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mở cuốn sách, thấy một con người

Hồ Quang Lợi| 01/10/2017 06:38

(HNM) - Tôi xin lấy câu danh ngôn trên để làm đầu đề cho bài viết này. Anh Phạm Quang Nghị đã từng xuất bản nhiều đầu sách gây ấn tượng tốt, nhưng “Xin chữ” do Nhà Xuất bản Hà Nội vừa ra mắt bạn đọc là cuốn sách đầu tiên anh dành riêng và hoàn toàn cho Văn hóa.

Cuốn sách dày 535 trang, cả nội dung và hình thức đều toát lên cái chất văn hóa như bản tính con người anh - bình dị, gần gũi mà vẫn có nét lấp lánh tài hoa, tao nhã. Các bài nghiên cứu, tham luận, bài nói, bài viết… được bố cục trong 5 phần một cách hài hòa, vừa sâu sắc vừa nhẹ nhõm. Càng đọc dần về những trang cuối cho tới khi gấp lại cuốn sách, ta thấy hiện lên một gương mặt văn hóa, chân dung một con người.

Trước hết, đó là một người vừa có vốn kiến thức sâu rộng, nghiên cứu bài bản, có tầm nhìn xa về văn hóa; đồng thời là một nhà hoạt động thực tiễn, chiêm nghiệm, đúc rút được nhiều bổ ích, lý thú từ quá trình cọ xát thực tế, từ công tác lãnh đạo, điều hành trên nhiều cương vị quan trọng. Những bài viết có tầm bao quát, triết luận sâu sắc, lý luận gắn chặt với thực tiễn trong phần một “Vươn tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ” đã cho thấy rõ điều đó.



Thứ hai, tác giả “Xin chữ” là người có tâm hồn nhạy cảm, đời sống tinh thần phong phú, gắn bó máu thịt với quê hương. Nhờ bắt nhịp được với hơi thở cuộc sống nên nhiều trang viết của anh rất đời, ngôn ngữ chuẩn mực nhưng cũng rất linh hoạt, vừa sâu sắc vừa trào lộng, dí dỏm. Có lúc anh sử dụng cả lối nói kiểu teen rất gần gũi với lớp trẻ.

Thứ ba, từ khi khoác ba lô vào chiến trường miền Đông Nam Bộ với nhiệm vụ viết báo phục vụ cho công tác văn hóa, tư tưởng ở tuổi mới đôi mươi cho đến khi kết thúc hai nhiệm kỳ Bí thư Thành ủy Hà Nội, cả cuộc đời công tác của anh Phạm Quang Nghị là những tháng năm sôi nổi hiến dâng. Là người sống có tình, lại có khả năng quan sát nhanh và suy ngẫm sâu sắc nên cây bút của anh đã kịp khắc họa được những chân dung rất ấn tượng. Đó là những nhà lãnh đạo có nhân cách và phẩm giá cao đẹp cùng với phong cách làm việc mà anh rất đỗi kính trọng; đó là các danh nhân, các nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhà báo, văn nghệ sĩ... mà anh ngưỡng mộ, yêu quý. Đây thực sự là những trang viết vừa chan chứa tình đời, tình người vừa thể hiện khả năng phân tích, đánh giá chuẩn mực, khách quan.

Thứ tư, khi đọc phần “Hà Nội trong tôi” với 34 bài viết của anh Phạm Quang Nghị - phần dài nhất trong cuốn sách - tôi muốn bày tỏ thêm một vài suy nghĩ, cảm nhận về một số công việc của Hà Nội liên quan đến văn hóa mà tác giả cuốn sách là người lãnh đạo cao nhất ở thành phố. Trong tiến trình phát triển của Thăng Long - Hà Nội, giai đoạn 10 năm từ 2005 đến 2015 đã ghi những dấu ấn lịch sử đặc biệt. Đó là giai đoạn mà Thủ đô yêu dấu của chúng ta vươn mình trong ánh sáng của thời đại mới với những tiềm năng và sức mạnh tinh thần vật chất to lớn. Đó cũng là giai đoạn sát hạch nghiêm khắc đối với một quyết định có tầm vóc lịch sử: Mở rộng địa giới hành chính Thủ đô! Ở trung tâm của chặng đường 10 năm đó, đã dựng lên một cột mốc vàng trong lịch sử dân tộc: Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng không chỉ có vận hội lớn, đây cũng là một thập kỷ đầy thách thức cam go khi toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phải căng sức giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ, trong đó có nhiều việc mới, việc khó, việc chưa có tiền lệ trên hầu hết mọi lĩnh vực. Khi giải quyết các công việc này đều phải hết sức quan tâm đến những tác động về văn hóa.

Trong suốt 10 năm đó, công tác lãnh đạo, điều hành của Thủ đô gắn liền với tên tuổi anh Phạm Quang Nghị - người được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội sau Đại hội Đảng lần thứ X. Trong các quyết sách phát triển Thủ đô, anh đặc biệt quan tâm yếu tố văn hóa. Theo anh, Hà Nội không nhất thiết đi đầu cả nước về kinh tế nhưng Hà Nội nhất thiết phải đi đầu, làm gương cho cả nước về văn hóa. Đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm của Thủ đô. Nơi đây từ nghìn năm qua là nơi hội tụ - kết tinh - lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc.

Trải qua hàng nghìn năm, với biết bao biến động dữ dội qua các triều đại và thời kỳ lịch sử, Hà Nội hôm nay ôm trong lòng mình biết bao di tích - di tích chồng lên di tích. Vì thế, khi xây dựng các công trình mới, khó tránh khỏi sự động chạm vào di tích trên mặt đất hay dưới lòng đất. Điều quan trọng nhất là phải có quan điểm đúng và cách ứng xử đúng với di tích. Đó là thái độ đối với cả quá khứ, hiện tại và tương lai. Không vì bảo tồn mà cản trở phát triển, không vì phát triển mà xâm hại bảo tồn.

Khi biết tin có 78 hộ dân trong tổng số gần 1.500 hộ ở Làng cổ Đường Lâm viết đơn xin trả lại danh hiệu di sản, Bí thư Phạm Quang Nghị đã đến thăm ngôi làng, trực tiếp đối thoại với người dân và cán bộ địa phương. Được chứng kiến cuộc đối thoại đó, tôi cảm thấy cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề của anh Phạm Quang Nghị thật thấu đáo. Bảo tồn và phát triển, nếu không được giải quyết tốt sẽ trở thành mâu thuẫn đến mức có thể xung đột.

Trong cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy bàn về chủ trương xây dựng công trình cầu đường sắt vượt sông Hồng kết hợp với đường sắt đô thị, anh Phạm Quang Nghị nêu rõ, cây cầu mới này phải được đặt trong mối quan hệ với cây cầu Long Biên lịch sử, với yêu cầu bảo tồn không gian khu phố cổ, phố cũ, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong thời gian tới.

Bảo tồn di sản không chỉ để giáo dục truyền thống, cân bằng tâm thức xã hội mà còn tạo nguồn lực phát triển. Anh nhấn mạnh, phải hết sức tránh cực đoan, chỉ nhìn thấy sự phát triển mà quên đi việc bảo tồn hoặc ngược lại chỉ chăm chăm nhìn thấy việc bảo tồn, chăm chăm giữ khư khư nó như thế trong khi xã hội đang phát triển, thành phố đang mở mang, hiện đại hóa làm sao để nguyên như vậy được…

Nói chuyện bảo tồn và phát triển, không thể không nhắc tới chuyện Đàn Xã Tắc. Bảo tồn có chọn lọc với phương pháp phù hợp, tương xứng với giá trị di sản và điều kiện thực tế của đời sống hiện tại là cách bảo tồn đúng đắn và khôn ngoan nhất. Bí thư Phạm Quang Nghị đã nói rất chí lý về vấn đề này. Đối với trường hợp nút giao thông Ô Chợ Dừa, không thể hy sinh hoàn toàn cái này cho cái kia mà phải tìm phương án thỏa đáng. Đó là sự hài hòa lợi ích cả hai vế.

Trước đó, nhiều người còn nhớ rõ, tại số 18 phố Hoàng Diệu, việc khai quật khảo cổ lúc đầu chỉ nhằm giải phóng mặt bằng để xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia và nhà Quốc hội. Khi 10.000 mét vuông ở Khu A, Khu B, một phần Khu D được khai quật thì đột ngột hiện ra tầng tầng lớp lớp di tích Hoàng thành Thăng Long xưa. Khi đó anh Phạm Quang Nghị đang đảm trách chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin. Trước một kho báu di sản đặc biệt vừa phát lộ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã quyết định chuyển địa điểm xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc gia về Mỹ Đình. Trong số 20.000 mét vuông khu vực 18 Hoàng Diệu, chỉ sử dụng 9.000 mét vuông xây dựng nhà Quốc hội, còn diện tích Khu A và Khu B được dành hoàn toàn cho việc bảo tồn Di tích Hoàng thành Thăng Long. Đây là trường hợp điển hình về việc giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn - phát triển, để bây giờ nhà Quốc hội vẫn được xây mà chúng ta vẫn bảo tồn được một di sản vô cùng quý giá để lại cho muôn đời và đã được UNESCO vinh danh.

Anh Phạm Quang Nghị nêu rõ, muốn vừa bảo tồn và vừa phát triển tốt, Hà Nội dứt khoát phải thực hiện nghiêm quy hoạch, coi quy hoạch là pháp lệnh, là mệnh lệnh.

Việc xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh - một phong trào xã hội đã được tiến hành từ nhiều năm nay, nhưng chưa thực sự mang lại những kết quả mong muốn. Bí thư Phạm Quang Nghị, tại hội nghị tổng kết Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011-2015”, đã nói rất chí lý rằng, suy cho cùng, ứng xử có văn hóa là mình tôn trọng mọi người và mình được mọi người tôn trọng. Thực tế gần 10 năm qua cho thấy, sau khi tích hợp thêm vùng văn hóa Xứ Đoài nổi tiếng, đầy bản sắc thì văn hóa Thăng Long - Hà Nội không chịu một sự đứt gãy nào. Trái lại, hai vùng văn hóa lớn này đã kết nối, hòa quyện, trở nên phong phú hơn. Những vấn đề này đều được anh Nghị viết đầy cảm hứng và thuyết phục trong phần hai của cuốn sách.

Thứ năm, thêm một điều tôi muốn nói là anh lấy đầu đề bài viết “Xin chữ” làm tên của cuốn sách. Tôi tự hỏi vì sao một cuốn sách bề thế, có tầm vóc về văn hóa lại lấy một cái tên có vẻ khiêm nhường như vậy? Bài viết “Xin chữ” kể lại kỷ niệm một nhà thư pháp nước ngoài rất nổi tiếng khi tới Việt Nam đã ngỏ ý muốn tặng chữ anh. Chữ gì là do anh chọn. Sau khi cân nhắc, anh chọn chữ Quang Minh Chính Đại. Như thế, xin chữ không chỉ là một cử chỉ văn hóa đơn thuần mà còn thể hiện quan điểm sống, thái độ sống mà anh luôn tự răn mình và hướng theo. Đó là nhân cách sống. Đó là văn hóa.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách “Xin chữ”, với hy vọng tìm thấy những giá trị mới về văn hóa, và từ đó nhìn thấy trong văn hóa những nền tảng căn cốt, vững bền của sự phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở cuốn sách, thấy một con người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.