(HNM) - Theo tạp chí The Economist, tính đến sáng 1-10, tổng nợ công của nước ta là 84,32 tỷ USD, chiếm 47,3% GDP, tăng 10,6% so với cùng kỳ. Như vậy, hiện tại mỗi người dân Việt Nam đang phải "gánh" khoảng 930 USD nợ công.
Xin được nhắc lại, đây là số liệu do tạp chí The Economist công bố, được nhiều phương tiện thông tin đại chúng trong nước đăng lại. Trên thực tế, những số liệu này chính xác hay không chính xác, hoặc giả có sự chênh lệch (do quan điểm tiếp cận và cách tính nợ công), chắc chắn, ít người dám khẳng định, ngay cả những chuyên gia kinh tế chuyên theo dõi về vấn đề này. Các cách tra cứu theo những nguồn khác nhau, cũng không đem lại kết quả nào thực sự đủ độ tin cậy, đặc biệt đủ tính cập nhật... Tuy nhiên, cũng như sau những thông tin nợ công tính đến một mốc thời gian nào đó trước đây, dư luận lập tức bàn đến việc con cháu sẽ phải trả nợ như thế nào.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II năm 2014, Bộ Tài chính cho biết: Đến hết năm... 2013, dư nợ công bằng 54,1% GDP. Trong cơ cấu nợ công, dư nợ Chính phủ chiếm 78%, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 20,4% và dư nợ chính quyền địa phương chiếm 1,6%. Về nguồn vay, dư nợ vay trong nước chiếm 51%, dư nợ vay ngoài nước chiếm 49%; đối với nợ của Chính phủ, nợ trong nước chiếm khoảng 49,6%, nợ nước ngoài chiếm 50,4% (kỳ hạn trung bình khoảng 12-13 năm, chủ yếu là vay ODA, lãi suất ưu đãi)...
Theo Luật Quản lý nợ công, nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Đương nhiên, đã là nợ thì phải hoàn trả (bao gồm khoản gốc, lãi, phí và chi phí khác...). Cũng theo luật, một trong những yêu cầu quan trọng trong quản lý nhà nước về nợ công là công khai, minh bạch trong việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công. Trong đó, Bộ Tài chính thực hiện công khai, định kỳ thông tin về nợ công. Thông tin về nợ công được công khai bao gồm tổng số dư nợ, cơ cấu nợ trong nước, nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, số liệu vốn vay thực nhận và trả nợ hằng năm, các chỉ tiêu giám sát nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia.
Không công khai, minh bạch, khó tạo được lòng tin và sự đồng thuận của người dân; đặc biệt, điều này cũng gây "khó dễ" đối với công tác giám sát, quản lý của cơ quan chức năng và các tổ chức đoàn thể, xã hội... Thông tin nợ công không rõ ràng, thiếu tính cập nhật sẽ tạo ra nhiều phản ứng tiêu cực. Trên thực tế, đã có nhiều ý kiến đề nghị công bố một cách cập nhật thông tin nợ công, chẳng hạn: Xây dựng đồng hồ nợ công, cập nhật trên các phương tiện thông tin đại chúng... Rõ ràng, đây là giải pháp xây dựng lòng tin hiệu quả.
Nợ công không xấu, hầu như quốc gia nào cũng có nợ công. Nợ công giúp gia tăng nguồn lực cho Nhà nước, từ đó tăng cường nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng và tăng khả năng đầu tư đồng bộ của Nhà nước. Để người dân tiếp nhận thông tin về nợ công, bất kể từ nguồn nào, vẫn không hoang mang, không lo ngại về "gánh nặng tương lai" của con cháu, rõ ràng việc công bố một cách rộng rãi, minh bạch, kịp thời là đòi hỏi tất yếu.
Dù vậy, đến bao giờ dư luận mới hết "hoang mang", mới thôi "xì xào" xung quanh những số liệu kiểu như của Tạp chí The Economist đề cập ở trên? Điều này phụ thuộc vào chính cách "xử lý" thông tin nợ công của cơ quan chức năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.