(HNM) - Mới đây, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp (DN) được cấp giấy phép triển khai mạng di động không tần số, nếu không cung cấp dịch vụ sẽ bị thu hồi giấy phép.
Thiếu cơ sở hạ tầng, mạng di động ảo khó tồn tại bởi sự cạnh tranh khắc nghiệt với các nhà mạng khác. Ảnh: Đức Anh
Cách đây hơn ba năm (ngày 19-8-2009), lần đầu tiên Bộ TT-TT cấp giấy phép cung cấp mạng di động không tần số (còn gọi là mạng ảo) cho Đông Dương Telecom. Tại buổi lễ đón nhận giấy phép này, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ, sự tham dự đông đảo của giới truyền thông, lãnh đạo Đông Dương Telecom khi đó đã khẳng định sẽ triển khai dịch vụ ngay trong quý I-2010. Nhưng, hết năm 2010 vẫn chưa thấy mạng ảo này ra mắt. Nguyên nhân của sự chậm trễ là vì mạng ảo này chưa đàm phán được với nhà mạng đối tác sẻ chia hạ tầng là Viettel. Sau đó, trong một số lần gặp gỡ với giới báo chí, một lãnh đạo của Đông Dương Telecom cũng khẳng định trong năm 2011 thực hiện triển khai dịch vụ…
Ngày 22-6-2010, Bộ TT-TT lại tổ chức trao giấy phép cung cấp mạng ảo cho VTC. Khi đó, lãnh đạo Công ty VTC Digicom - đơn vị được VTC giao trực tiếp triển khai dịch vụ cho biết VTC sẽ hợp tác với EVN Telecom để cung cấp dịch vụ 3G vào cuối năm 2010... VTC đã đạt được thỏa thuận hợp tác với EVN Telecom, nhưng do đối tác này làm ăn thua lỗ và Chính phủ đã phải yêu cầu sáp nhập vào Viettel cuối năm 2011, thành ra VTC cũng không thể triển khai theo kế hoạch.
Theo quy định, sau hai năm được cấp phép, DN phải cung cấp dịch vụ, quá thời hạn sẽ thu hồi giấy phép. Chiếu theo quy định đó thì cả hai nhà mạng kể trên đều vi phạm quy định. Được biết, năm 2011 Bộ TT-TT đã có văn bản yêu cầu Đông Dương Telecom triển khai dịch vụ theo quy định.
Các DN nhận giấy phép kể trên chưa triển khai dịch vụ như cam kết bởi nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân từng được lý giải liên quan đến kỹ thuật như phải "sống" phụ thuộc hoàn toàn vào hạ tầng của các nhà mạng có hạ tầng dẫn đến việc đàm phán hợp tác không đơn giản. Tuy nhiên, lý do chủ yếu lại bắt nguồn từ thị trường viễn thông Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực di động trong những năm qua có sự cạnh tranh khắc nghiệt. Ba nhà mạng lớn Viettel, Mobifone, Vinaphone hiện chiếm tới 95% thị phần, EVN Telecom buộc phải sáp nhập, Beeline chưa đạt được kết quả kinh doanh như mong muốn khiến đối tác nước ngoài phải bán cổ phần cho đối tác trong nước để "tháo chạy", SK Telecom rút vốn khỏi S-Fone, Gmobile - thương hiệu thay thế Beeline tuy mới hoạt động trở lại nhưng được dự đoán là con đường phía trước còn nhiều chông gai, S-Fone chưa rõ tương lai ra sao nhưng hình ảnh gần đây cho thấy họ đã phải sa thải hàng loạt nhân viên và được biết một số nhà mạng đã ngừng kết nối với S-Fone do mạng 095 vẫn chưa thanh toán cước kết nối… Ngay cả Vietnamobile dù đã chi cả tỷ USD cho mạng lưới, đã tuyên bố có cả 10 triệu thuê bao, nhưng không ít ý kiến vẫn lo ngại về sự "trụ hạng" trong thời gian tới của mạng di động này.
Trong khi thị trường viễn thông di động Việt Nam đã ở trạng thái bão hòa (hiện có gần 130 triệu thuê bao) thì các nhà mạng lớn với thế mạnh lại đã và đang đưa ra đủ loại gói cước để "vét" nốt thuê bao… Như vậy, ngay cả các mạng có hạ tầng như S-Fone, Gmobile, Vietnamobile còn gặp khó, huống hồ các mạng ảo - phải đi mua lại hạ tầng của mạng khác rồi kinh doanh và cạnh tranh với chính đối tác của mình. Và đó cũng là lý do khiến các mạng ảo dù được cấp phép, nhưng khó có thể triển khai vì thiếu hạ tầng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.