(HNM) -
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Văn Trọng, sinh ngày 20-10-1914, quê gốc ở xã Thạch Minh (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) nhưng lại sinh ra tại làng Bản Mạy (tỉnh NaKhon - Thái Lan) trong một gia đình Việt kiều yêu nước. Năm 1923, Lý Tự Trọng được sang Trung Quốc học tập, anh học giỏi, nói thạo tiếng Hán và tiếng Anh rồi sớm hoạt động trong Hội Thanh niên Cách mạng đồng chí. Năm 1931, một ngày cuối xuân, thực dân Pháp kết án anh tội tử hình. Người thanh niên cộng sản mới 17 tuổi ấy đã lấy vành móng ngựa, lấy pháp trường của thực dân làm nơi tiếp tục đấu tranh. Lời anh vang mãi như nhắc nhở mọi thế hệ tuổi trẻ: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng chứ không thể có con đường nào khác".
Tiếp bước Lý Tự Trọng, trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã nêu cao ngọn cờ cách mạng, tinh thần dũng cảm. Những tấm gương Võ Thị Sáu, Nguyễn Văn Trỗi... đã trở thành nỗi khiếp sợ đối với quân thù, trở thành biểu tượng của khí phách anh dũng, tinh thần yêu nước của tuổi trẻ... Chiến tranh đã lùi xa, song con đường cách mạng trước mắt còn không ít chông gai và tuổi trẻ, thế hệ thanh niên hôm nay đang tiếp nối sự nghiệp của các anh, các chị, vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh...
Học tập tấm gương Lý Tự Trọng, Trung ương Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn toàn quốc có nhiều hoạt động thiết thực góp phần giáo dục tư tưởng đạo đức cho thế hệ trẻ. Thông qua việc tổ chức hội thảo, tọa đàm về chủ đề "Con đường cách mạng của thanh niên thời kỳ mới", giúp thanh niên hôm nay hiểu sâu sắc hơn về truyền thống, học tập gương sáng của anh Lý Tự Trọng và các đoàn viên tiêu biểu lớp trước. Qua đó tiếp tục bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, niềm tin vào con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ thanh niên đi trước đã chọn; khơi dậy, cổ vũ khát vọng cống hiến của tuổi trẻ Việt Nam cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, rèn luyện, lao động, công tác, phát huy vai trò trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quyền Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn Lê Quang Tự Do cho biết: "Thông qua tấm gương và câu nói nổi tiếng của anh Lý Tự Trọng cách đây 83 năm, thanh niên thời bình cùng nhìn nhận con đường cách mạng thời kỳ mới có gì giống và khác trước... Điểm chung của thanh niên là tinh thần yêu nước, khát khao vươn lên. Nếu như thời chiến, thanh niên sẵn sàng hy sinh để giành hòa bình, độc lập thì thời bình, thanh niên giàu lòng nhiệt huyết, sẵn sàng mang tài năng, trí tuệ để cống hiến, dựng xây đất nước".
Một năm qua, lớp đoàn viên mới kết nạp, đoàn viên xuất sắc được mang tên "Lớp đoàn viên Lý Tự Trọng" và "Lớp đoàn viên ưu tú Lý Tự Trọng". Tại Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm 2014, các cấp bộ đoàn đã kết nạp 22.572 đoàn viên Lý Tự Trọng... Đây cũng là thời điểm Thành đoàn Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả cuộc vận động "Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới" với các giá trị cốt lõi, nền tảng "tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn". Thành đoàn cũng đã vận động đoàn viên, học sinh, sinh viên tham gia nhiệt tình đợt sinh hoạt chính trị "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do Trung ương Đoàn phát động. Ngay trong tháng 10 này, các chi đoàn tổ chức sinh hoạt tập trung tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên về cuộc đời hoạt động cách mạng của Lý Tự Trọng và câu nói nổi tiếng "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác", soi rọi vào nhận thức và trách nhiệm của tuổi trẻ ngày nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lãnh đạo Thành đoàn Hà Nội khẳng định, thế hệ đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô đã và đang tiếp nối những trang sử vẻ vang của thế hệ thanh niên đi trước. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh người đoàn viên anh hùng Lý Tự Trọng là dịp để mỗi người cùng suy ngẫm, nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn trách nhiệm của mình với lịch sử và tương lai đất nước. Chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và bảo vệ vững chắc bờ cõi Việt Nam, hơn lúc nào hết, là tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc hôm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.