Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em, nhắn gửi điều này đến 169 đại biểu nhỏ tuổi tham dự Diễn đàn Trẻ em quốc gia lần thứ 6, sáng 17-8, và qua đó đến 26 triệu trẻ em cả nước.
Diễn ra từ ngày 15 đến 17-8, Diễn đàn Trẻ em quốc gia năm 2019 có chủ đề “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”. Trong phiên đối thoại, sáng 17-8, với lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể có trách nhiệm trong công tác trẻ em, các đại biểu nhỏ tuổi đã đề cập 6 vấn đề của trẻ em Việt Nam: Phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; an toàn trên môi trường mạng; giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho trẻ em, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và sự phát triển toàn diện cho trẻ em.
Trên tinh thần “Trẻ em lên tiếng - Trẻ em khởi xướng - Trẻ em cùng hành động”, các em đưa ra 22 thông điệp, kiến nghị: Bạo lực đối với trẻ em là hành vi hủy hoại tuổi thơ, cần phải kiên quyết loại trừ; không còn bạo lực ở nhà trường và gia đình là hạnh phúc của trẻ thơ; vì tương lai tươi sáng, hãy nói không với lao động trẻ em; Internet là bạn tốt đừng biến nó thành bạn xấu; hãy chơi mạng xã hội, đừng để mạng xã hội “chơi” mình; giá trị của con người không đến từ vật chất mà đến từ lối sống, đạo đức tốt đẹp; đừng áp đặt, hãy để trẻ là chính mình; đừng biến trẻ thành người lớn; hãy để trẻ sống đúng với lứa tuổi...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ ấn tượng với các bài trình bày, thông điệp vô cùng thuyết phục của các em nhỏ. “Sự hiểu biết của các bạn nhỏ bây giờ hơn rất nhiều lần so với các thế hệ đi trước. Đó là sự may mắn của đất nước”.
Từ các khuyến nghị tại diễn đàn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải hành động. Luật Trẻ em quy định rất rõ quyền, bổn phận của trẻ em, cũng như trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, xã hội, cộng đồng, gia đình, các bậc cha mẹ…
“Người lớn hãy thể hiện trách nhiệm đó bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Để những lời kêu gọi đi vào cuộc sống chứ không chỉ ở hội nghị, trên giấy”, Phó Thủ tướng nói.
Chia sẻ câu chuyện trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới đang phải sống trong chiến tranh, khủng bố, Phó Thủ tướng cho rằng dù còn khó khăn, còn nhiều em nhỏ khuyết tật hay ở miền núi, vùng sâu, vùng xa phần nào chịu thiệt thòi nhưng có thể nói, trẻ em Việt Nam may mắn được sống trong hoà bình. Tuy nhiên, đất nước còn nghèo, còn khó khăn, vì vậy, không chỉ người lớn, mà mỗi em nhỏ cũng cần nỗ lực, đóng góp một phần nhỏ bé đưa đất nước vươn lên, vượt qua khó khăn, bắt kịp với các quốc gia khác.
Phó Thủ tướng nhắn nhủ: Mình còn nghèo, còn khó thì càng phải nỗ lực. Người ta làm một thì mình phải làm hai. Nhà các cháu bẩn không thể mong người khác đến dọn hộ. Đất nước nghèo không thể hy vọng nước khác đến giúp. Chúng ta phải rất chịu khó. Ở trường, ở nhà hay ngoài xã hội cũng phải luôn ghi nhớ "Năm điều Bác Hồ dạy".
Bác Hồ dạy “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” thì trước hết mỗi em nhỏ phải yêu bố mẹ, người thân, bè bạn, quê hương, gia đình, trường lớp của mình. Tiếp đó, các em phải học tốt, tích cực tham gia lao động, giữ gìn vệ sinh trường, lớp…
“Ông bà, cha mẹ, thầy cô luôn hết lòng, luôn muốn con cháu có một cuộc sống tốt hơn, có tương lai hơn mình ngày xưa. Các cháu hãy cố gắng chăm ngoan, học giỏi, làm theo đúng "Năm điều Bác Hồ dạy”. Đấy là sự báo hiếu đáng quý nhất”, Phó Thủ tướng mong muốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.