Văn hóa

Lo ngại tình trạng biến tướng nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

Đình Hiệp 05/06/2024 - 18:13

Chiều 5-6, tiếp tục nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) nêu thực tế có hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ em tại các phiên chợ vùng cao đã làm mai một và biến tướng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

dai-bieu-chieu.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn chiều 5-6. Ảnh: quochoi.vn

Bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số

Trả lời nội dung đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nêu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong Chương trình mục tiêu quốc gia có Dự án 6 đầu tư cho vấn đề này. Bộ đã tập trung khảo sát, nhận diện, đánh giá và công nhận các di tích, di sản, loại hình văn hóa cơ sở. Đây là điều quan trọng để bảo tồn các giá trị văn hóa.

nguyen-thi-dung-thai-binh.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Về vấn đề làm thế nào để bảo vệ quyền trẻ em khi có tình trạng tại các phiên chợ, trẻ em tổ chức biểu diễn, nhảy múa văn nghệ để thu tiền, xin tiền của khách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, việc sử dụng lao động trẻ em như vậy là không đúng. Hơn nữa, các phiên chợ cũng không phải là địa điểm biểu diễn nghệ thuật. Nếu xảy ra ở vùng nào thì địa phương đó phải quản lý.

“Văn hóa của mỗi đồng bào có phong tục, tập quán và nét đẹp riêng. Vấn đề mà đại biểu nêu có thể là lợi dụng việc này, cố ý làm sai. Còn thực tế "chợ tình" đó không phải như vậy. Những ai lợi dụng để làm biến tướng thì cần phải xử lý”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lý giải.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận Bộ cũng có một phần trách nhiệm, nhưng Bộ không phải cơ quan quản lý hoạt động này. Do vậy, Bộ trưởng đề xuất giải pháp là cần tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là chủ thể văn hóa biết tôn trọng, phát huy và bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình từ phong tục, tập quán đến cách ứng xử. Đồng thời, cần có chế tài để xử lý nghiêm minh việc lợi dụng vấn đề này để đưa vào khuôn khổ. Như vậy mới hạn chế, khắc phục được tình trạng lợi dụng trẻ em như đại biểu đề cập.

tran-quoc-quan.jpg
Đại biểu Trần Quốc Quân (Đoàn Long An) chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quốc Quân (Đoàn Long An) về việc các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một. Trong khi việc triển khai các hoạt động, chính sách bảo tồn nghệ thuật truyền thống còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, về thu hút lực lượng trẻ..., Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để nghiên cứu, phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống với những cách tiếp cận mới. Cùng với đó, tiếp tục làm tốt chính sách cho nghệ nhân - những người "giữ lửa" cho nghệ thuật truyền thống. Chính sách này đang làm tốt ở các địa phương.

bo-truong-van-hoa.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Đối với chất vấn của đại biểu về phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ câu chuyện này không đơn giản. Vì vậy, thời gian tới cần tập trung đào tạo năng khiếu, tiếp tục phát triển loại hình này theo hướng nghệ thuật đỉnh cao, ban hành chính sách riêng và không nên thực hiện tự chủ để loại hình này được phát triển. Trong đó, cấp Trung ương sẽ thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng. Còn về phía địa phương, khuyến khích phát triển các loại hình theo hướng tập trung có chính sách cho nghệ nhân, bởi họ chính là những người giữ hồn, giữ lửa cho loại hình này.

Tranh luận về vấn đề duy trì và bảo tồn nghệ thuật truyền thống, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định) cho biết, Bộ trưởng đã trả lời về chính sách hỗ trợ cho nghệ nhân cũng như đào tạo thế hệ trẻ để giữ gìn và vai trò của cộng đồng, của dân cư. Tuy nhiên, còn một loại hình đang phát triển ở các địa bàn dân cư xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, hoạt động không chuyên này là do người dân, các tầng lớp lao động yêu thích nghệ thuật lập nên. Cũng xuất phát từ nhu cầu của người dân, các đoàn không chuyên này tự trang bị, tự trang trải kinh phí để tổ chức chương trình nghệ thuật.

nguyen-thu-thuy-bac-kan.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn Bình Định) tranh luận. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu dẫn ví dụ như biểu diễn bài chòi, cải lương và từ những hoạt động không chuyên này đã góp phần bảo tồn và gìn giữ các loại hình truyền thống, lan tỏa nét đẹp về giữ gìn tình yêu quê hương, đất nước. Tuy nhiên, chính sách cho các loại hình không chuyên này chưa được hỗ trợ, dù địa phương cũng mong muốn hỗ trợ kinh phí cho các sân khấu sáng đèn, song cơ chế để thực hiện chưa cho phép.

Thiếu thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) đề nghị cho biết giải pháp đột phá nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, bên cạnh nâng cao số lượng, cần nâng cao hơn nữa chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các thiết chế được đầu tư, xây dựng ở đồng bào dân tộc không xây thì đang thiếu, nhưng xây thì sử dụng thế nào cho hiệu quả. Bộ trưởng chỉ ra bất cập này và đề xuất thời gian tới cần có giải pháp mang tính chất căn cơ, đó là cần nhận thức những bất cập thuộc về thể chế.

“Ví dụ như thiết chế văn hóa thuộc về tài sản công, Luật Quản lý tài sản công được thể hiện như thế nào, được khai thác ra sao thì cần được bàn rõ, liên kết cái gì để triển khai hoạt động? Vì vậy, cần phải tính toán”, Bộ trưởng nêu dẫn chứng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rà soát lại để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để có điều kiện tổ chức thực hiện, nhất là phát huy đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Bởi thiết chế văn hóa là điều kiện cần và đủ để hình thành môi trường văn hóa. Nếu không có thiết chế văn hóa thì sẽ rất khó khăn.

dai-bieu-chieu-1.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn chiều 5-6. Ảnh: quochoi.vn

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tập trung nguồn lực, ngoài nguồn lực Nhà nước thì huy động thêm các nguồn lực khác để xây dựng. Trong đó có nguồn lực nhân dân đồng thuận, điều này trở thành tài sản của nhân dân. Có như vậy mới phát huy được tác dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại tình trạng biến tướng nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.