Trong đó, cử tri đề nghị sớm thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian tới
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến của cử tri trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương.
Theo đó, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan tại thành phố Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến 18 buổi tại 30 đơn vị, thu hút đông đảo cử tri và nhân dân Thủ đô tham dự.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổng hợp 25 nhóm ý kiến của cử tri phát biểu tại hội nghị và các ý kiến cử tri gửi bằng văn bản thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương.
Về công tác xây dựng pháp luật, cử tri đánh giá cao tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), góp phần thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Từ đó khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới...
Từ đó cử tri đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô trong thời gian tới.
Cử tri Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện chuyển đổi thông tin của cá nhân trên các giấy tờ tùy thân, hồ sơ pháp lý của tổ chức, doanh nghiệp sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Đồng thời, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải từng bước thận trọng, chặt chẽ, nhất là công tác cán bộ, việc đặt tên đơn vị mới (hợp lòng dân, phù hợp truyền thống văn hóa của địa phương khi sáp nhập) và việc quản lý tài sản công (trong đó có các trụ sở hành chính)…
Cử tri cũng đề nghị Chính phủ có các giải pháp hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường để việc cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024 bảo đảm nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; khi ban hành các bảng lương mới, sớm thông tin cho các đối tượng được hưởng lương biết…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.