Văn hóa

Phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đình Hiệp 28/01/2024 - 14:21

Năm 2023 là năm thứ 3 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025). Với sự quan tâm của thành phố và các địa phương, công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được kết quả tích cực.

dan-toc-2.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quốc Oai biểu diễn cồng chiêng tại Hội diễn văn hóa cộng đồng.

Chú trọng bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số

Vùng đồng bào dân tộc của huyện Ba Vì có diện tích tự nhiên 19.943ha (chiếm 47% diện tích toàn huyện) với dân số 76.925 người/18.710 hộ, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 29.480 người/6.993 hộ (chiếm khoảng 38,3% dân số vùng dân tộc). Trong năm 2023, huyện tập trung phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế. Nhờ có sự đầu tư mạnh mẽ từ Trung ương, thành phố và huyện, cơ sở vật chất giáo dục, y tế dần được hoàn thiện, hiện đại hóa, đáp ứng tốt nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe của nhân dân miền núi.

“Công tác bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường, Dao như văn hóa cồng chiêng của người Mường, thuốc Nam của người Dao... được huyện quan tâm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh” - Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp chia sẻ.

Trong năm qua, huyện Quốc Oai đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Huyện tổ chức truyền dạy văn hóa Mường trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các câu lạc bộ và hai trường THCS Đông Xuân và Phú Mãn. Chuẩn bị đón năm mới Giáp Thìn 2024, UBND huyện tổ chức Hội diễn văn hóa cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút sự tham gia của 11 đội văn nghệ quần chúng với 248 thành viên thuộc xã Đông Xuân, xã Phú Mãn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, các đội đem đến cho hội diễn những tiết mục trình diễn đặc sắc, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa và truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Hội diễn là dịp để đồng bào các thôn bản giao lưu, học hỏi, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, hăng hái lao động sản xuất, tích cực tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.

“UBND huyện phối hợp với Sở Du lịch tổ chức khảo sát thực tế công tác quản lý và phát triển du lịch trên địa bàn các xã dân tộc, miền núi của huyện. Hiện nay, UBND huyện đã xây đựng đề án Khôi phục và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Quốc Oai giai đoạn 2021 - 2030”, ông Hoàng Nguyên Ưng chia sẻ.

Theo Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân, nhờ nguồn lực đầu tư của thành phố cùng sự hỗ trợ của các quận nội thành, năm qua các huyện vùng dân tộc thiểu số đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa các thôn khang trang, hoạt động hiệu quả, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Năm 2023, tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa đạt 92%; tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa đạt 96,4%; tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng là 79,6%.

Phát huy lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch dân tộc thiểu số

Trên địa bàn 5 huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội hiện có 7 khu, điểm du lịch đã được UBND thành phố công nhận theo Luật Du lịch 2017, bao gồm: Khu du lịch suối khoáng Tản Đà, Thiên Sơn Suối Ngà, Khoang Xanh - Suối Tiên (huyện Ba Vì); điểm du lịch sinh thái Hoàng Long, Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất); điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Phượng Cách, Hoàng Xá (huyện Quốc Oai).

dan-toc-1.jpg
Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Nguyên Quân trao tặng Giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc năm 2023.

Với những giá trị nổi trội, cơ bản về tài nguyên du lịch văn hóa cùng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tương đối tốt, Hà Nội nói chung và các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn thành phố nói riêng có đầy đủ điều kiện để phát triển hoạt động du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, xây dựng thương hiệu mạnh về du lịch.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, ngoài lợi thế vốn có nhờ nguồn tài nguyên văn hóa độc đáo riêng của mỗi tộc người sinh sống trên địa bàn, tiềm năng và ưu thế để phát triển hoạt động du lịch tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội còn được tạo bởi điều kiện chung để phát triển du lịch của toàn thành phố.

Bàn về giải pháp phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô trong thời gian tới gắn với phát triển văn hóa dân tộc, ông Trần Trung Hiếu cho rằng, cần tập trung cho công tác quy hoạch, bảo tồn, trùng tu di tích gắn với phát huy các giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô. Làm tốt những phần việc này là góp phần kiến tạo các điểm du lịch văn hóa có chất lượng, đẳng cấp cao. Cần chú trọng phát triển du lịch có trách nhiệm, hướng đến cộng đồng, thực hiện bảo tồn văn hóa dựa vào cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chia sẻ hài hòa, bảo đảm lợi ích của cả doanh nghiệp, địa phương, người dân và du khách.

“Cần quan tâm, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi được vay vốn ưu đãi để phát triển các hoạt động du lịch. Qua đó vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vừa hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Trần Trung Hiếu nhấn mạnh.

Để phát huy lợi thế, tiềm năng về văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho rằng, cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng những hình thức phong phú, gắn tuyên truyền, vận động với những hoạt động thích hợp nhằm nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thành phố quan tâm bố trí kinh phí bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần để việc này trở thành hoạt động thường nhật của cả cộng đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và các chính sách đặc thù cho vùng dân tộc và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong năm 2024 này. Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân gắn với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và bản sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng, giúp phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có để vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.