Nông thôn mới

Sức sống mới trên những miền quê ngoại thành Hà Nội

Nguyễn Mai 10/10/2024 - 07:01

Hà Nội đang là địa phương đứng tốp đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Phong trào xây dựng nông thôn mới diễn ra sâu rộng, hiệu quả trong những năm qua đã giúp những làng quê ở khu vực ngoại thành Hà Nội đổi thay tươi đẹp, căng tràn sức sống mới văn minh, hiện đại.

dan-phuong.jpg
Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Thọ Xuân (huyện Đan Phượng). Ảnh: Đỗ Tâm

Niềm vui khắp thôn làng

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), mới đây (7-10), huyện Phúc Thọ tổ chức lễ gắn biển công trình cấp thành phố Trường Trung học cơ sở Long Xuyên. Ngôi trường được đầu tư 3 dãy nhà 4 tầng khang trang, cùng các công trình phụ trợ, đầy đủ trang thiết bị hiện đại, nổi bật trong không gian làng quê yên bình.

Chủ tịch UBND xã Long Xuyên Kiều Văn Hùng cho biết: Trường Trung học cơ sở Long Xuyên được thành lập năm 1960, chỉ ít năm sau ngày Hà Nội được giải phóng. Trải qua chặng đường hơn 60 năm hình thành, phát triển, nhà trường đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Để tạo điều kiện tốt hơn cho dạy và học khi số lượng giáo viên, học sinh tăng từng năm, trường được huyện quan tâm đầu tư kinh phí hơn 80 tỷ đồng xây mới. Với diện mạo khang trang hơn, con em trong xã sẽ có điều kiện học tập tốt hơn; đồng thời tạo đòn bẩy cho xã đẩy nhanh tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Cũng trong những ngày thu tháng mười này, niềm vui đến với xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) khi cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong xã đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.

Chủ tịch UBND xã Mai Đình Nguyễn Thị Thanh Huyền thông tin: Chỉ trong chưa đầy 1 năm, xã đã 2 lần được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới: Lần đầu vào ngày 23-2-2024, Mai Đình được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; lần 2 vào ngày 12-8-2024, Mai Đình được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện, thu nhập bình quân của xã đạt gần 76 triệu đồng/người/năm; chất lượng y tế, giáo dục được chú trọng, an sinh xã hội được bảo đảm...

Về lại những vùng quê từng chịu nhiều tổn thất bởi chiến tranh, đến nay, các xã xưa thuộc An toàn khu Khu Cháy như: Đồng Tân, Trung Tú, Trầm Lộng, Đông Lỗ... của huyện Ứng Hòa đã đổi thay rõ nét, tràn trề sức sống. Những con đường làng từng lầy lội, chật hẹp nay rộng rãi, sạch sẽ, rợp bóng cây xanh. Khu Cháy hôm nay thành vùng trồng lúa trọng điểm với chuỗi giá trị gạo chất lượng cao cùng nhãn hiệu “Gạo chất lượng Khu Cháy”.

Đáng chú ý, tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội” và điểm đến “Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu” thu hút đông đảo du khách, góp phần quảng bá văn hóa, sản phẩm địa phương.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Quảng Tái (xã Trung Tú) Vương Thị Tuy chia sẻ: Người dân đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng để trồng cây xanh, lắp ghế đá, nâng cấp trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn...

Đột phá trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hà Nội xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư rất lớn từ các chương trình của thành phố. Chỉ tính từ năm 2021 đến quý III-2024, thành phố đã huy động được hơn 84.316 tỷ đồng dành cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, nhiều huyện, thị xã ngoài việc bố trí vốn ngân sách còn đa dạng hình thức xã hội hóa, khai thác lợi thế từng địa phương để tạo thêm nguồn đầu tư.

Phong trào xây dựng nông thôn mới thực sự lan tỏa sâu rộng tới từng người dân, thôn xóm. Nhiều địa phương có các mô hình, cách làm thiết thực, hiệu quả như các huyện: Sóc Sơn, Đan Phượng, Ba Vì, Ứng Hòa... Hằng năm, các địa phương tổ chức cuộc thi "Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn", được nhân dân hưởng ứng tích cực.

Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh cho biết: Tính đến tháng 9-2024, toàn huyện đã có 11 xã về đích nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện phấn đấu đến hết năm 2024 về đích trước 1 năm mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII nhiệm kỳ 2020-2025.

Còn tại Ứng Hòa, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Chí Viễn, huyện có 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Từ huyện thuần nông khó khăn, Ứng Hòa đang phát triển rực rỡ cùng Thủ đô và đất nước...

Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, tính đến hết quý III-2024, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 18/18 huyện, thị xã (100%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, mới đây, Thanh Trì là huyện đầu tiên của thành phố đạt nông thôn mới nâng cao; các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai đang hoàn thiện điều kiện để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và năm 2024.

Có thể thấy, khu vực ngoại thành Hà Nội đang phát triển từng ngày theo hướng văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc. Các miền quê xanh, sạch, đẹp, văn minh đã, đang góp phần quan trọng tô đẹp cho Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm nghìn năm văn hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mới trên những miền quê ngoại thành Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.