Theo dõi Báo Hànộimới trên

Libya: Bên bờ vực nội chiến

Vân Khanh| 26/02/2011 06:25

(HNM) - Bằng tất cả những phương tiện có thể, từ máy bay, tàu thủy, xe hơi đến chân đất, hàng trăm ngàn người nước ngoài đang nháo nhác tìm mọi cách rời Libya theo các chiến dịch sơ tán công dân khẩn cấp của nhiều chính phủ. Toàn bộ các sân bay, bến cảng... chật đầy người di tản trong khi tình trạng giao tranh, cướp bóc... diễn ra trên khắp các đường phố.


Đất nước Bắc Phi này giống như đang trong chiến tranh hơn là biểu tình đòi cải cách. Những diễn biến vượt ngoài tầm kiểm soát đã khiến Libya trở thành phiên bản bạo lực nhất của hiện tượng "Ai Cập hóa" đang thiêu đốt Trung Đông và Bắc Phi.

Người biểu tình đã kiểm soát thành phố Benghazi

Không giống với Cairo, Tripoli thực thi chính sách mạnh tay với những người biểu tình chống đối ngay từ ngày đầu bùng phát. Tuy nhiên, sự cương quyết của chính quyền không ngăn được làn sóng phẫn nộ ngày một mạnh thêm và mở rộng nhanh chóng từ tâm điểm Benghazi ở miền Đông tới nhiều thành phố khác. Khi bất ổn bước vào ngày thứ 10, đã có khoảng 800 người thuộc cả phe đối lập và ủng hộ chính phủ thiệt mạng do ẩu đả lẫn đụng độ với lực lượng an ninh. Libya hơn bao giờ hết đang đứng trước bờ vực nội chiến khi chính quyền của Tổng thống Muammar Gaddafi đã mất quyền kiểm soát ở phía Đông, trong khi có thông tin nhiều thành phố miền Tây như Misrata, Zuara, Tobruk cũng đã rơi vào tay những người nổi dậy. Tuyên bố "sẽ quyết tử để bảo vệ miền Tây" từ Đại tá M.Gaddafi một lần nữa kiểm chứng chính sách cứng rắn của ông trong suốt 42 năm cầm quyền. Đây là tín hiệu cho thấy một cuộc xung đột giữa những người "anh em" Libya có thể chỉ còn là vấn đề thời gian nếu các bên không tìm kiếm được một giải pháp thích hợp.

Sự nghiệp chính trị của một trong những nhà lãnh đạo nổi tiếng của Lục địa đen trong thế kỷ XX càng lâm vào khó khăn khi ông M.Gaddafi đang mất đi sự ủng hộ của một số nhân vật then chốt trong chính phủ cũng như quân đội. Mở đầu với tuyên bố từ chức của Bộ trưởng Tư pháp Mustapha Abdul Jalil để phản đối việc sử dụng vũ lực quá mạnh, Đặc sứ của Libya tại Liên đoàn Arab Abdel Moneim al-Honi cũng khẳng định tham gia cuộc cách mạng và mới nhất là Bộ trưởng Nội vụ Abdel Fattah Younis (đang có mặt tại thành phố Benghazi) đã từ bỏ chính phủ. Bất ngờ hơn, các nhà lãnh đạo Hồi giáo và những bộ lạc từng trung thành với ông M.Gaddafi cho biết, không còn muốn đồng hành với Tổng thống. Việc nhiều đơn vị quân đội rời bỏ hàng ngũ để gia nhập phe đối lập cũng là điều chưa bao giờ diễn ra kể từ khi ông M.Gaddafi lãnh đạo quốc gia gần 6 triệu dân vào năm 1969.

Không chỉ đối mặt với nguy cơ từ nội bộ, vị tổng thống có thời gian tại vị lâu nhất trong thế giới Arab còn đang là tâm điểm của dư luận quốc tế. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã kêu gọi lập tức chấm dứt bạo lực ở quốc gia Bắc Phi sau cuộc họp khẩn đầu tiên về vấn đề này. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án hành động trấn áp mạnh tay người biểu tình đã thể hiện rõ quan điểm của Washington với Tripoli cho dù quan hệ băng giá giữa hai nước đã có sự cải thiện đáng kể trong mấy năm gần đây. Cùng với đó, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thông qua các biện pháp trừng phạt nhanh chóng và cụ thể; đồng thời đình chỉ quan hệ kinh tế, tài chính với Libya. Đây có thể coi là thông điệp cứng rắn nhất với ông M.Gaddafi từ phương Tây sau sự kiện Peru đình chỉ quan hệ ngoại giao với Libya, với lý do không thể chấp nhận cách ứng xử quá mạnh của chính quyền với người dân trong những ngày qua.

Dường như vẫn kiểm soát được khu vực phía Tây nhiều sa mạc của đất nước, nhưng liệu nhà lãnh đạo quyền lực bậc nhất ở khu vực sẽ còn đứng vững trong bao lâu khi tình hình đang xấu đi rất nhanh tại Libya. Có lạc quan đến mấy cũng không thể chối bỏ hiện thực là Tổng thống đương nhiệm của Libya đang vấp phải thách thức lớn nhất trong sự nghiệp lãnh đạo đất nước suốt 42 năm qua. Thông báo mới nhất về phong tỏa tài sản của ông M.Gaddafi và những người thân cận từ ngày 24-2 của Thụy Sĩ nhằm đề phòng mọi sự lạm dụng công quỹ cũng như một lệnh phong tỏa bay có giới hạn từ phương Tây và Mỹ với Libya đang được cân nhắc đã chồng chất thêm khó khăn cho người đứng đầu ở Tripoli. Mọi ánh mắt đang hướng về đất nước có diện tích 1,8 triệu km2 bên bờ Địa Trung Hải với cơ hội tìm kiếm hòa giải đã hết sức mong manh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Libya: Bên bờ vực nội chiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.