Môi trường

Tách nguồn thải, bổ cập nước để làm sạch các dòng sông tại Hà Nội

Mai Hữu 11/12/2024 - 15:48

Chiều 11-12, trả lời chất vấn về lĩnh vực đô thị tại phiên họp thứ 20 HĐND thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho rằng, tách được toàn bộ nguồn thải và bổ cập nước là giải pháp căn cơ để làm sạch các dòng sông ở nội thành Hà Nội.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong. Ảnh: Viết Thành
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong. Ảnh: Viết Thành

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai) về tính khả thi trong hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị thành phố đạt 50%-55%, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho rằng, chương trình công tác nhiệm kỳ 2020 – 2025 của Thành ủy xác định việc đưa nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là công trình trọng điểm để hoàn thành chỉ tiêu này. Hiện nay, dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đã hoàn thành gói thầu số 1, số 2; riêng gói thầu số 3, số 4 còn chậm tiến độ.

Ông Võ Nguyên Phong cho biết, việc đưa nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vào vận hành từ ngày 1-12-2024 với công suất 100 nghìn m3 ngày/đêm đã nâng tỷ lệ xử lý nước thải nội thành đạt hơn 114 nghìn m3 ngày/đêm, đạt xấp xỉ 41%. Việc hoàn thành các gói thầu nhà máy xử lý nước thải Yên Xá sẽ nâng tỷ lệ thu gom thêm được hơn 194 nghìn m3 ngày/đêm, cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ xử lý nước thải đô thị thành phố đạt 50%. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ đưa một số nhà máy xử lý nước thải vào hoạt động sẽ nâng tỷ lệ xử lý nước thải của thành phố. “Về cơ bản, chúng ta cố gắng tiếp tục đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành các dự án đúng tiến độ để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu”, ông Võ Nguyên Phong nói.

Để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cố gắng đến 2030 nâng tỷ lệ xử lý nước thải nội thành Hà Nội lên 100%, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thành phố đang khẩn trương rà soát phê duyệt chủ trương đầu tư của một số khu vực chưa có nhà máy xử lý nước thải, đồng thời chuẩn bị đầu tư và triển khai các dự án đã được phê duyệt.

Về chất vấn của đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín) về phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu nhằm làm sạch các dòng sông này, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sau khi nước thải từ sông Tô Lịch, sông Lừ được thu gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; sông Sét, sông Kim Ngưu được thu gom về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở thì toàn bộ nước bổ cập cho các con sông này là không có, chủ yếu là nguồn nước thải đã được thu gom.

Ông Võ Nguyên Phong cho rằng, Sở đang phối hợp triển khai phương án bổ cập nước sông Hồng vào hồ Tây và bổ cập nước từ hồ Tây về sông Tô Lịch bằng đường ống riêng tách biệt, đồng thời việc triển khai của sông Tô Lịch phải triển khai đồng bộ với sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu. Về giải pháp, ông Võ Nguyên Phong cho rằng cần tách được toàn bộ nguồn thải và bổ cập nước, trong đó bổ cập nước quay trở lại từ việc sau xử lý nước thải và sử dụng nguồn nước bổ cập khác.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt
Đại biểu Nguyễn Ngọc Việt. Ảnh: Viết Thành

Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Việt (tổ Mỹ Đức) về xử lý môi trường tại các khu – cụm công nghiệp, làng nghề, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Nguyễn Kiều Oanh cho biết, trong tổng số 70 cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố thì đã có 49 cụm có khu xử lý nước thải tập trung; các cụm chưa có khu xử lý nước thải sẽ được hoàn thiện khi hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và mở rộng theo quy hoạch.

Thông tin thêm về vấn đề này, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, thành phố có nhiều làng nghề và làng có nghề truyền thống, đặc điểm là sản xuất trong khu dân cư, kết hợp ở, sinh hoạt. Do vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của những làng nghề này đã ảnh hưởng đến môi trường nước, không khí, tiếng ồn.

Đồng chí Nguyễn Trọng Đông cho biết, thời gian qua, thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm chuyển đổi phương thức sản xuất thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ vẫn phải di chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Thành phố có khoảng 70 cụm, thu hút hơn 4.000 hộ sản xuất kinh doanh tại làng nghề; thành phố đang tiếp tục đầu tư xây dựng 43 cụm công nghiệp với tổng diện tích (113 cụm) là hơn 2.000ha. Đây là mặt bằng quan trọng để di chuyển các hộ sản xuất kinh doanh làng nghề ra cụm công nghiệp tập trung. Từ nay đến năm 2030, thành phố tiếp tục quy hoạch 174 cụm công nghiệp để tiếp tục di chuyển các hộ sản xuất, kinh doanh ra khỏi làng nghề.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tách nguồn thải, bổ cập nước để làm sạch các dòng sông tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.