Tại cuộc họp của Nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) kết thúc ngày 9-12 tại Brussels (Bỉ), cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ủy ban châu Âu (EC) đều nhận định, Eurozone đã chứng minh được khả năng chống chịu vượt trội trước các biến động kinh tế và địa chính trị.
Dù triển vọng còn bất định do khủng hoảng lan rộng ở nhiều khu vực trên thế giới, các nhà lãnh đạo Eurozone kỳ vọng, tăng trưởng sẽ phục hồi ổn định.
Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Eurozone đã được nâng lên trong quý III năm nay do mức tăng chi tiêu của chính phủ và hộ gia đình. Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tăng trưởng GDP đạt mức 0,4% là phù hợp với ước tính của các nhà phân tích đưa ra trước đó dựa trên những đánh giá tổng thể. Đây cũng là mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong 2 năm qua. Các nhà kinh tế cho rằng, năm 2024 sẽ khép lại với mức tăng trưởng GDP thực tế của khu vực khoảng 0,8%.
Năm 2025, dự kiến, GDP sẽ tăng hơn so với năm 2024 ở mức 1,2%. Lạm phát hạ nhiệt sẽ thúc đẩy chi tiêu tư nhân và lãi suất thấp hơn sẽ thúc đẩy đầu tư cố định. Kim ngạch xuất khẩu tăng cũng sẽ hỗ trợ đà phát triển kinh tế. Các chính sách kiểm soát lạm phát đi đúng hướng khiến tốc độ tăng giá các mặt hàng thiết yếu dừng ở mức từ 1,7% đến 2% trong năm 2025, như mục tiêu mà Eurozne đặt ra. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang có kế hoạch tiếp tục cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 12-12. Đây sẽ là lần cắt giảm thứ tư của ECB kể từ tháng 6, đưa lãi suất xuống mức 3%.
Lãi suất thấp hơn sẽ giúp giảm chi phí tín dụng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các khoản vay và thế chấp trở nên dễ tiếp cận hơn. Thu nhập khả dụng và đầu tư kinh doanh tăng lên. Sự gia tăng hoạt động kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu hậu cần và hỗ trợ sự phục hồi của thị trường châu Âu. Thị trường bất động sản công nghiệp cũng dần phục hồi, bất chấp những lo ngại về gián đoạn thương mại tiềm ẩn.
Dù lạc quan về sự phục hồi kinh tế, song các nước Eurozone cũng phải chuẩn bị cho những tình huống rủi ro liên quan tới bất ổn có xu hướng lan rộng tại Trung Đông, xung đột Nga - Ukraine và tình trạng bất ổn kéo dài trong lĩnh vực công nghiệp của Đức. Đặc biệt là sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lên nắm quyền vào tháng 1-2025 và tiếp tục chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết”. Việc Washington áp mức thuế quan cao với nhiều mặt hàng từ châu Âu là khó tránh khỏi. Tác động từ chính sách của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump không chỉ ảnh hưởng tới châu Âu mà còn gây ra rủi ro lớn hơn đối với dòng chảy thương mại quốc tế. Điều này có thể dẫn đến lạm phát gia tăng trở lại và làm tổn hại đến triển vọng giảm lãi suất liên tục.
Bởi vậy, một phần quan trọng trong cuộc họp Nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone là đánh giá các kế hoạch ngân sách dự thảo cho năm 2025. Đây là bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hóa khung quản trị kinh tế mới được thông qua đầu năm 2024. Các kế hoạch ngân sách được thiết kế với lộ trình từng bước thắt chặt tài khóa, kết hợp với đầu tư và cải cách cơ cấu nhằm cải thiện năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tại cuộc họp vào tháng 7 vừa qua, Nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone đã thông qua tuyên bố về quan điểm tài chính của khu vực vào năm 2025 trước khi chuẩn bị ngân sách quốc gia cho năm tới. Tất cả các bộ trưởng đều ý thức rằng, việc cải thiện chất lượng chi tiêu công và bảo đảm đầu tư giữ vai trò quan trọng trong quá trình giảm thiểu mọi tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone Paschal Donohoe lưu ý, để thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực kinh tế, các cải cách là không thể thiếu. Theo ông Paschal Donohoe, đổi mới cần được đặt làm trọng tâm trong chiến lược đầu tư và là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn khu vực. Do đó, lập trường "thắt chặt nhẹ" tài khóa trong năm 2025 là lựa chọn hợp lý, nhất là khi khu vực đang đối mặt với các thách thức về ngân sách và mục tiêu giảm lạm phát. Ông Paschal Donohoe cho rằng, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên và sự hỗ trợ từ các thể chế quốc tế, Eurozone đang từng bước hướng đến một tương lai kinh tế ổn định và bền vững.
Đầu tư dự kiến sẽ được bảo toàn, trái ngược với những diễn biến sau cuộc khủng hoảng tài chính. Vào năm 2025, thâm hụt ngân sách ở Eurozone được cho là sẽ giảm xuống còn 2,8% GDP. Nợ công trong khu vực được dự báo ở mức khoảng 90% GDP trong giai đoạn 2023-2025.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.