Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lễ hội xuân 2023: Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu du xuân, trẩy hội của nhân dân

Nguyễn Thanh| 12/01/2023 17:09

(HNMO) - Chiều 12-1, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì cuộc họp triển khai công tác tổ chức và quản lý lễ hội xuân 2023.

Quang cảnh cuộc họp.

Chủ động kế hoạch, phương án dự phòng

Với hơn một nghìn lễ hội lớn, nhỏ, tập trung chủ yếu vào mùa xuân, Hà Nội là một trong những địa phương sở hữu nhiều lễ hội nhất trên cả nước, trong đó có nhiều lễ hội nổi tiếng, lễ hội vùng, lễ hội tổ chức trong thời gian dài… thu hút hàng vạn du khách hành hương, trẩy hội. Đây là niềm tự hào, song cũng đặt ra những áp lực không nhỏ cho công tác tổ chức và quản lý lễ hội dịp đầu xuân mới trên địa bàn Thủ đô, nhất là trong bối cảnh các hoạt động lễ hội phải tạm dừng 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hạn chế nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh của người dân.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các quận, huyện, thị xã; ban quản lý di tích có lễ hội đầu xuân, nhất là những lễ hội trọng điểm đã báo cáo kế hoạch tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn; tiến độ triển khai các nhiệm vụ cũng như phương án dự phòng…, hạn chế tối đa những nguy cơ, phát sinh, làm ảnh hưởng đến nhu cầu du xuân, thưởng Tết của người dân và giá trị lễ hội.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, Lễ hội Cổ Loa năm nay gắn với sự kiện công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Cổ Loa và công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là điểm du lịch. Cùng với đó là việc 2 năm qua, lễ hội không được tổ chức, dự báo sẽ tăng đột biến lượng khách thập phương về tham quan, trẩy hội.

Xác định điều này, huyện Đông Anh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đáp ứng nguyện vọng tâm linh, tín ngưỡng của người dân, với phần lễ được duy trì đúng nghi thức cổ truyền thông qua nghi thức rước kiệu Bát xã Loa Thành, phần hội là hoạt động bổ trợ, tăng thêm “sắc màu” cũng như giảm áp lực cho vùng lõi di tích trong thời gian diễn ra lễ hội.

“Những hạn chế của các mùa hội trước cũng được chú trọng khắc phục trong dịp này. Ban tổ chức lễ hội đã cho dẹp toàn bộ hàng quán trước khu vực cổng vào để tạo sự thông thoáng, quy hoạch bãi đỗ xe, tăng cường pano quảng bá, tuyên truyền về lễ hội…”, bà Nguyễn Thị Tám nói.

Đối với Lễ hội Gióng ở Đền Sóc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết: “Địa phương đã chủ động các kế hoạch ứng phó với khả năng tăng đột biến lượng khách tham gia lễ hội; tháo gỡ những khó khăn về bến bãi đỗ xe, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh dịch vụ trông giữ xe tự phát gây mất an ninh trật tự, ùn tắc cục bộ. Các hoạt động văn hóa như: Biểu diễn nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian, thi đấu vật, nấu cơm, kéo co… được tổ chức tại nhiều điểm trong không gian di sản, giảm tại việc tập trung đông người ở khu vực hành lễ. Việc phát lộc hoa tre đầu năm vẫn được duy trì như các năm trước, thay thế cho hình thức “cướp lộc” dễ phát sinh chen lấn, dẫm đạp phản cảm…”.

Các lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2023… tiếp tục được triển khai theo phương thức truyền thống; tăng cường các phương án dự phòng cho các tình huống quá tải khách tham quan, trẩy hội cũng như an toàn phòng dịch, vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo.

Giữ gìn ý nghĩa mùa lễ hội

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn hoan nghênh sự chủ động, vào cuộc của các địa phương, đơn vị trước mùa lễ hội xuân 2023 đang đến gần; trong đó chú trọng việc giữ trọn vẹn nghi thức truyền thống phần lễ; phần hội được tổ chức tưng bừng, gắn với việc tôn vinh, quảng bá nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, để tổ chức được hiệu quả như mong đợi, công tác triển khai, ứng phó phải thật sự tốt.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu, từ nay đến khi diễn ra lễ hội, các địa phương thường xuyên rà soát công tác tổ chức, lường trước các nguy cơ, vấn đề phát sinh để chủ động có kế hoạch, giải pháp xử lý tình huống, trong đó chú trọng công tác an ninh trật tự, an toàn cứu hộ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ…; chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong lễ hội.

Các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau lễ hội về ý nghĩa, giá trị lễ hội cũng như việc thực hiện nếp sống văn minh trong không gian thờ tự, từ đó định hướng, bồi đắp ý thức, trách nhiệm trong xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống; phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kịch bản cho hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian bài bản, chuyên nghiệp, từ đó tạo ra sản phẩm văn hóa lành mạnh, hấp dẫn, chất lượng…, đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Về lâu dài, các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu xây dựng chiến lược văn hóa dài hạn cho việc phát huy giá trị di tích nói chung, trong đó có lễ hội với các sản phẩm du lịch di sản văn hóa, mang đặc trưng của vùng đất, tạo ra giá trị vật chất và làm giàu đời sống tinh thần cho công chúng, du khách.

“Di tích gò Đống Đa là điểm đến rất ý nghĩa, nhưng chỉ thu hút du khách vào dịp lễ hội, những ngày sau thường rất vắng vẻ. Địa phương cần chú ý xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục di sản tại di tích thêm hấp dẫn, góp phần khai thác, phát huy hiệu quả giá trị di sản”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn gợi ý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội xuân 2023: Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu du xuân, trẩy hội của nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.