Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp

Bắc Vũ| 13/06/2022 06:36

(HNM) - Hiến máu tình nguyện là việc làm nhân nghĩa sâu sắc, là nét đẹp văn hóa, là hành trình đầy ý nghĩa khi trao đời sự sống.

Với mục đích cao cả đó, những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã trở thành hoạt động thường xuyên, phát triển rộng khắp cả nước. Nổi bật là Lễ hội Xuân hồng đã trải qua 15 năm “hành trình trao đời sự sống”, thu hút số người đăng ký hiến máu, đơn vị máu tiếp nhận được ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Cũng phải kể đến “Hành trình Đỏ” - chiến dịch vận động hiến máu lớn nhất cả nước đã trải qua 10 lần tổ chức ở nhiều tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, nhiều chiến dịch truyền thông và sự kiện hiến máu tình nguyện được tổ chức sáng tạo, thành công như: “Chiến dịch vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết”; “Chiến dịch Những giọt máu hồng hè”; “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4”; "Ngày quốc tế Người hiến máu 14-6"…

Đặc biệt, đối tượng tham gia hiến máu tình nguyện ngày càng được mở rộng, từ những cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đến người lao động, các tăng ni, phật tử, chức sắc tôn giáo… Trong đó, có nhiều cá nhân không những trực tiếp tình nguyện hiến máu lên đến hàng chục lần, mà còn vận động nhiều người khác cùng tham gia hiến máu, lan tỏa nghĩa cử cao đẹp trong cộng đồng. Hình ảnh đẹp người tham gia tình nguyện hiến máu trở nên quen thuộc trong xã hội, trong trái tim mỗi người dân.

Điều ý nghĩa là từ những tấm lòng nhân ái, hằng năm, đã có hàng triệu đơn vị máu được sẻ chia, đến với người bệnh để “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.

Hiến máu nhân đạo giờ đây không chỉ là “tiếng gọi trái tim” của một cá nhân nào, mà là sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Do đó, mỗi tập thể, cá nhân cần hăng hái hưởng ứng phong trào hiến máu cứu người và coi đó là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng của bản thân. Khi chúng ta có đủ điều kiện sức khỏe thì tích cực tham gia hiến máu để có nguồn máu an toàn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, các tấm gương tiêu biểu hiến máu tình nguyện cần tiếp tục hành trình trao đời sự sống, trở thành những hạt nhân nòng cốt vừa hiến máu cứu người, vừa tuyên truyền vận động người thân, bạn bè tích cực tham gia để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Song song đó, công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện cần tiếp tục đẩy mạnh sâu rộng thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội; lồng ghép truyền thông về hiến máu và bảo đảm an toàn sức khỏe cộng đồng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác và chủ động của người dân trong việc tham gia hiến máu.

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp cần tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động hiến máu tình nguyện để phong trào phát triển bền vững, sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cần tiếp tục lan tỏa một cách thực chất các phong trào đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong cộng đồng, như: “Lễ hội Xuân hồng”, “Hành trình Đỏ”… để mở rộng, phát triển đối tượng hiến máu tình nguyện. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tôn vinh những tập thể, cá nhân và gia đình có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện, từ đó lan tỏa việc làm nhân nghĩa ra cộng đồng.

Máu là loại thuốc điều trị đặc biệt quý, chỉ có thể được hiến tặng từ những trái tim nhân ái, với tình cảm và trách nhiệm cao cả của họ với cộng đồng. Hành trình trao đời sự sống ấy chắc chắn sẽ ngày càng được nhân rộng và phát triển, lan tỏa mạnh mẽ hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.