Việc liên quân phát động chiến dịch không kích quy mô lớn vào Libya tiếp tục gây làn sóng phản đối mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhiều người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Los Angeles, California (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 20/3, Chính phủ Cuba ra tuyên bố lên án mạnh mẽ sự can thiệp quân sự của nước ngoài vào mâu thuẫn nội bộ Libya.
Cuba cáo buộc các thế lực phương Tây đã âm mưu tạo cớ để xâm lược Libya, và khẳng định những thế lực này phải chịu trách nhiệm về những thương vong mà họ gây ra đối với dân thường Libya cũng như những thương vong mà họ đã gây ra trong các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan.
Tuyên bố kêu gọi thúc đẩy đối thoại và ủng hộ quyền tự vệ chính đáng của người Libya trước sự can thiệp từ bên ngoài.
Tại Tehran, Chính phủ Iran cũng lên án các cuộc không kích Libya và đặt câu hỏi về mục tiêu thực sự của phương Tây khi tấn công đất nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast kêu gọi các nước trong khu vực cần thận trọng, kiên trì theo đuổi mục đích của mình đồng thời ngăn chặn các thế lực bên ngoài xâm chiếm đất nước.
Cùng ngày, Phong trào Xã hội vì Hòa bình (MSP) tại Algeria ra tuyên bố kêu gọi phương Tây ngừng ngay việc sử dụng vũ lực chống Libya và cảnh báo tình hình tại Libya hiện nay "nghiêm trọng và rất đáng lo ngại."
Tuyên bố của MSP chỉ trích hành động tấn công quân sự của phương Tây đã đi chệch mục tiêu bảo đảm an ninh, ổn định và sự đoàn kết của Libya.
MSP kêu gọi Algeria tận dụng các kênh ngoại giao của nước này với Arập, châu Phi để nhanh chóng tìm ra giải pháp phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Libya, đồng thời tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này.
Trong khi đó, bất chấp việc dư luận quốc tế phản đối mạnh mẽ hành động quân sự nhằm vào Libya, các thông tin từ Anh, Pháp cho thấy phương Tây dự định gia tăng hoạt động tấn công đất nước này.
Bộ Quốc phòng Anh thông báo sẽ huy động hai tàu khu trục loại nhỏ của Anh là HMS Wesminter và HMS Cumberland, triển khai máy bay đến một căn cứ quân sự ở Italia để chuẩn bị tham gia đợt tấn công Libya mang tên "Chiến dịch Ellamy."
Pháp xác nhận đã cử một loạt tàu đến Libya trong đó có ba tàu khu trục nhỏ, một tàu chở nhiên liệu và tàu sân bay Charles de Gaulle với thủy thủ đoàn 2.000 người và 20 máy bay chiến đấu.
Tuy nhiên, nội bộ châu Âu vẫn tiếp tục chia rẽ về vấn đề Libya. Ngày 20/3, Tổng thống Síp Demetris Christofias tuyên bố phản đối việc sử dụng những căn cứ quân sự Anh tại khu vực Địa Trung Hải để tấn công Libya.
Ông cũng thừa nhận rằng trong cuộc họp bất thường mới nhất, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã không đạt được nhất trí về giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia này.
Theo tin mới nhất, Tân Hoa xã dẫn các nguồn tin truyền thông Arập ngày 20/3 cho biết các cuộc không kích của liên quân đã phá hủy hệ thống đường bộ và một bệnh viện của Libya, làm 65 dân thường thiệt mạng và hơn 150 người bị thương.
Trước đó, Truyền hình nhà nước Libya cũng đã đưa tin về con số thương vong này./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.