Văn nghệ

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Doãn Tiến: Đau đáu với khí nhạc dân tộc

Đinh Thúy 15/12/2024 - 19:29

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Doãn Tiến là một tên tuổi nổi tiếng ở mảng âm nhạc dân tộc, với nhiều tác phẩm hòa tấu dàn nhạc, độc tấu, ca khúc, nhạc múa.

Năm 2012, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các tác phẩm khí nhạc: “Hội xuân”, “Khát vọng phương Nam” (Quê hương), “Âm vang cao nguyên”, “Chiều quê”... Năm 2019, ông được phong tặng danh hiệu NSND. Suốt cuộc đời gắn bó với Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Doãn Tiến đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng dàn nhạc dân tộc nước nhà.

nhac-1.jpg
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Doãn Tiến.

- Thưa nhạc sĩ Doãn Tiến, là một nhạc công chơi nhạc cụ phương Tây, sau đó chuyển sang hoạt động trong dàn nhạc dân tộc, chỉ huy dàn nhạc dân tộc hẳn là một quá trình ông phải tự học rất nhiều?

- Một điều mà tôi tâm đắc là trong suốt quá trình ấy, tôi vẫn sử dụng cây đàn violin cell - một nhạc cụ phương Tây để áp dụng cho dàn nhạc dân tộc. Khi còn là nhạc công, tôi đã nghe nhiều tác phẩm âm nhạc dân tộc, dưới sự chỉ huy của NSND Trần Quý - người thầy mà tôi vô cùng kính trọng. Và trong tôi hình thành một suy nghĩ: Phải tìm hiểu âm nhạc dân tộc, khai thác vốn cổ dân gian.

Tôi đã dành nhiều thời gian đến những vùng sâu, vùng xa, tranh thủ những chuyến lưu diễn để gặp gỡ các nghệ nhân, tìm hiểu vốn âm nhạc của cha ông, cố gắng thu lượm và áp dụng trong sáng tác âm nhạc. Ví dụ khi viết cho vùng đất nào, cũng nên có những âm hưởng của vùng đất đó, quê hương đó.

Với Tây Bắc, tôi đã có khá nhiều bản độc tấu sáo mèo, ca khúc, nhạc múa... thể hiện rõ nét tính cách của vùng. Khi viết về Đồng bằng Bắc Bộ, tôi dựa trên âm hưởng chèo, ca trù... Một trong những tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước của tôi là hòa tấu, giao hưởng dân tộc “Đất nước hùng thiêng” gồm 4 chương, dựa trên âm hưởng của đồng bào dân tộc Mường. Còn tác phẩm “Hội xuân” viết về Đồng bằng Bắc Bộ, với tiếng chuông chùa, tiếng trống hội. “Khát vọng phương Nam” lại có tiếng róc rách của những dòng sông, con suối, những câu hò Nam Bộ phảng phất sự thơ mộng, dãi dầu mưa nắng của con người nơi đây.

- Ông cũng nổi tiếng là người có nhiều sáng tạo trong việc sử dụng nhạc cụ. Ông có thể chia sẻ đôi chút về điều này?

- Nếu như ca khúc âm nhạc luôn đa dạng, phong phú thì khí nhạc không phải ai cũng viết được. Viết nhạc không lời rất khó, nếu không có kỹ thuật thì sẽ không làm được. Từ kỹ thuật bài bản, người nhạc sĩ mới có thể sáng tạo, tung tẩy. Tôi viết tác phẩm độc tấu đàn Tơ-rưng “Âm vang cao nguyên”, được nhiều thế hệ nghệ sĩ thể hiện trên sân khấu, nhiều lần đoạt huy chương vàng tại một số kỳ hội diễn. Hay tác phẩm “Tung cánh bay hỡi chim prô-tóc” được đưa lên sân khấu chuyên nghiệp với những nốt nhạc treo. Khi viết bản nhạc này, tôi phải vẽ sơ đồ trước mặt để đánh sao cho thuận tay. Tôi vẫn nhớ, buổi biểu diễn tác phẩm này với những khoảnh khắc “rực lửa” đã mang đến cho tôi thêm một Huy chương Vàng.

- Chất liệu phong phú trong kho tàng văn hóa dân gian luôn tạo ra nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác âm nhạc. Theo nhạc sĩ Doãn Tiến, vì sao đến giờ chúng ta vẫn thiếu tác phẩm khí nhạc?

- Các nhạc sĩ trẻ bây giờ cũng rất tài năng. Tôi luôn hy vọng các bạn ấy sẽ nối tiếp được những thành tựu của thế hệ đi trước. Bản thân tôi cũng vậy, cũng kế tục thế hệ trước và học hỏi. Tôi tin mỗi giai đoạn đều có sự phát triển riêng, theo dòng chảy xã hội. Các bạn ấy được học hành bài bản, cộng với sự hỗ trợ tối đa của công nghệ, cơ hội học hỏi quốc tế cũng rộng mở.

Tuy vậy, có một khó khăn trong việc sáng tác tác phẩm khí nhạc là sự quảng bá chưa được rộng rãi, người ta chưa được cập nhật, tìm hiểu nhiều về thể loại này. Điều kiện biểu diễn, giới thiệu những tác phẩm lớn viết cho dàn nhạc còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu khán giả cũng chưa thể lắng đọng để nghe khí nhạc như ca khúc.

Bản thân tôi công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam nên cũng có thuận lợi là hầu hết tác phẩm khi viết ra được sử dụng luôn nhưng vẫn còn kha khá tác phẩm chưa thể dàn dựng và biểu diễn được. Dẫu vậy, tôi vẫn luôn tin rằng âm nhạc chính thống sẽ luôn tồn tại và phát triển cùng đất nước, sẽ có sự đầu tư và các nhạc sĩ sẽ được học tập bài bản, có nhiều tâm huyết, cảm hứng để viết khí nhạc.

- Nhìn lại chặng đường âm nhạc của mình, điều gì khiến ông tự hào và nhớ mãi?

- Trong những năm tháng công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, tôi tự hào vì mình đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho Nhà hát, cùng với các nghệ sĩ tham gia các chương trình biểu diễn ở trong và ngoài nước, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam.

Đặc biệt trong thời gian chiến tranh với nhiều khó khăn, gian khổ, chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm khó quên, lúc biểu diễn ở sân kho, thậm chí còn phải ngủ ngoài sân khấu. Cũng có lúc chúng tôi được tham dự những chương trình nghệ thuật lớn, mang tầm quốc gia, quốc tế, ở các sân khấu lớn của nước ngoài. Trong thời gian công tác tại Nhà hát, tôi cũng góp phần tạo dựng tên tuổi cho các nghệ sĩ có tiềm năng và tình yêu nghề. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi luôn tự hào về công việc của mình.

- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Doãn Tiến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhạc sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Doãn Tiến: Đau đáu với khí nhạc dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.