(HNM) - Hoạt động y tế dự phòng đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; giúp giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng; phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh…
Có nhiều nguyên nhân khiến y tế dự phòng chưa phát huy hết vai trò. Trong đó, nguyên nhân chính là hệ thống này chưa phát triển đều, rộng khắp. Đồng thời, nhân lực, nhất là tuyến cơ sở, nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Đầu tư về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho lĩnh vực này, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn còn tâm lý thờ ơ, chủ quan với việc khám sức khỏe định kỳ...
Xác định rõ tầm quan trọng của hệ thống y tế dự phòng trong chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng, thời gian qua ngành Y tế Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều chương trình rất thiết thực như khám sàng lọc, theo dõi, quản lý sức khỏe một số bệnh mạn tính tại trạm y tế; bước đầu nối mạng toàn bộ các trạm, cơ sở y tế, lập cơ sở dữ liệu dân cư trên địa bàn… Đáng chú ý, năm 2017 vừa qua, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho nhân dân.
Lợi ích “kép” từ việc kiểm tra, tầm soát bệnh tật gắn với thiết lập sổ theo dõi sức khỏe cho từng người dân bằng hồ sơ điện tử là không phải bàn cãi. Khi phát hiện sớm bệnh, người dân sẽ có nhiều "cơ hội vàng" để điều trị và khỏi bệnh, nhất là bệnh mạn tính, nguy hiểm. Với ngành Y tế, việc phát hiện sớm các bệnh thông thường cho phép giải quyết điều trị ngay tại tuyến khám, chữa bệnh ban đầu, giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Nhìn rộng ra, hoạt động y tế dự phòng đóng vai trò "gác cổng" trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vấn đề đặt ra là làm sao nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là tuyến cơ sở, để thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu?
Thực tế cho thấy, cần có sớm những điều chỉnh về cơ chế, chính sách nhằm phát triển y tế dự phòng với một mạng lưới rộng khắp, bám sát cơ sở, "phủ" đều các khu, cộng đồng dân cư. Vấn đề quan trọng không kém là có các ưu đãi nhằm thu hút, từ đó đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cho y tế dự phòng. Điều cần nói thêm ở đây là nếu đem so sánh, y tế dự phòng khó có thể hấp dẫn bằng "mảng" điều trị.
Cùng với đó, cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thăm khám, theo dõi sức khỏe định kỳ ngay từ khi chưa bị bệnh. Mục tiêu là mọi người tự có ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Với riêng Hà Nội, trong điều kiện hiện nay, ngành Y tế cần mở rộng diện thực hiện cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả của các chương trình đang được triển khai nêu trên. Về phía người dân, mỗi người cần chủ động nắm bắt thông tin về các chương trình, nhất là các chương trình có ý nghĩa phúc lợi (được hỗ trợ hoặc miễn phí) của thành phố để được thăm khám sức khỏe kịp thời, vừa thiết thực bảo vệ bản thân, vừa tham gia hiệu quả vào công tác y tế dự phòng.
"Bao phủ" sức khỏe toàn dân là mơ ước không chỉ của Việt Nam mà của các quốc gia trên thế giới (đánh giá của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến). Chủ động để làm tốt bước "dự phòng", cả từ phía ngành Y tế cũng như từ phía người dân là điều kiện tiên quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.