Xã hội

Làm gì để giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh”?

Mai Hoa 23/04/2024 - 12:37

Sáng 23-4, Báo Kinh tế & Đô thị cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề Giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh”.

tbt-nguyen-thanh-loi.jpg
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Khánh Huy

Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết: Hiện nay, nhiều lao động khu vực phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội, phải chịu thiệt thòi vì chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, giờ lao động và chế độ nghỉ ngơi, nghỉ phép, ốm đau, thai sản… Trong khi đó, lao động khu vực phi chính thức hiện đang giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo. Ban Tổ chức mong muốn tọa đàm sẽ nêu lên nhiều giải pháp, góp ý tích cực cho việc sửa đổi chính sách để tới đây có thêm nhiều người lao động ở khu vực phi chính thức được tiếp cận hệ thống bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo đảm chính sách an sinh khi hết tuổi lao động.

ta-viet-anh.jpg
Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) Tạ Việt Anh trao đổi tại chương trình. Ảnh: Khánh Huy

Theo Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) Tạ Việt Anh, hiện nay, dự thảo Luật Bảo hiểm (sửa đổi) đã cụ thể hóa quy định các nội dung lớn như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu... Ban Tổ chức kỳ vọng những khuyến nghị trong buổi tọa đàm này sẽ góp thêm tiếng nói trong quá trình các cơ quan chức năng hoàn thiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

toa-dam-2.jpg
Các đại biểu, chuyên gia tại tọa đàm phiên 1. Ảnh: Khánh Huy

Trong khuôn khổ chương trình, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội; ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; TS Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Hà Nội; GS.TS Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân… đã cùng trao đổi xung quanh bức tranh toàn cảnh về người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

toa-dam-1.jpg
Các đại biểu, chuyên gia tham gia tọa đàm phiên 2 thảo luận về các giải pháp nâng tỷ lệ bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo đảm an sinh xã hội. Ảnh: Khánh Huy

Nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ dần khoảng cách giữa lao động chính thức và lao động phi chính thức thông qua các giải pháp như: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện với nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu bằng nhiều hình thức, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng và từng thời điểm. Cùng với đó, chủ động rà soát cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, làng nghề để xác định người tham gia tiềm năng; đồng thời căn cứ vào danh sách các đơn vị chênh lệch lao động tham gia bảo hiểm xã hội do cơ quan thuế cung cấp, tiến hành rà soát, yêu cầu đơn vị thực hiện nghiêm túc chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định, trường hợp không thuộc người tham gia bắt buộc thì sẽ tham gia tự nguyện. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Các đại biểu thống nhất quan điểm, để phát triển tốt hơn nữa số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo hiểm xã hội, nhất là ban hành những quy định bổ sung chế độ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như: Có hệ thống giải pháp đồng bộ, thay vì chỉ trông chờ vào việc Nhà nước tăng mức hỗ trợ, để hấp dẫn người lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đặc biệt, cần cân nhắc việc thiết kế các gói bảo hiểm xã hội ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với người lao động khu vực phi chính thức…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để giảm nguy cơ “lọt lưới an sinh”?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.