Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lạ chưa hẳn đã hay

Ngô Kim Thủy| 05/11/2013 06:06

(HNM) - Gần đây, một số ca khúc đã rất quen thuộc với số đông công chúng Việt Nam được nhiều ca sĩ làm mới bằng cách hòa âm, phối khí và tạo một phong cách biểu diễn khác lạ.

Tùng Dương biểu diễn ca khúc “Chiếc khăn Piêu”.



Việc làm mới ca khúc cũ theo hơi thở đương đại được thực hiện từ nhiều năm nay khi mà bản ngã của nghệ sĩ thôi thúc họ phải tìm yếu tố mới khi hát lại những ca khúc đã từng được nhiều ca sĩ thể hiện. Nhiều nghệ sĩ "khoác áo mới" cho những ca khúc cũ bằng cách hòa âm, phối khí lại theo những tiết tấu, màu sắc, thậm chí là thể loại âm nhạc khác nhau. Cũng có người chọn cách làm mới ca khúc chỉ ở vẻ bề ngoài, tức là dựa chủ yếu vào các yếu tố như thiết kế sân khấu, trang phục để trình bày sao cho có chút khác lạ. Ca sĩ Tùng Dương hát lại ca khúc "Chiếc khăn Piêu" của nhạc sĩ Doãn Nho với bản phối đậm chất đương đại của nhạc sĩ Pháp gốc Việt - Nguyên Lê đã trở thành hiện tượng của năm 2012. "Chiếc khăn Piêu" vượt qua hàng trăm ca khúc mới để "ẵm" trọn giải thưởng "Ca khúc của năm" trong chương trình "Bài hát yêu thích 2012" với trị giá giải thưởng 2 tỷ đồng, đồng thời nhận giải thưởng "Cống hiến 2012", nhạc sĩ Doãn Nho, cha đẻ của ca khúc "Chiếc khăn Piêu" bày tỏ sự kinh ngạc, khi ca khúc có "tuổi thọ" hơn 50 năm này có thể tạo "sóng" dư luận với độ phổ cập rộng rãi đến vậy.

Sau thành công của Tùng Dương, rất nhiều ca sĩ đã nỗ lực làm mới những ca khúc quen thuộc nhưng không phải ai cũng may mắn nhận được sự hưởng ứng của giới mộ điệu. Mới đây, cô "Bống" Hồng Nhung vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi "thay máu" ca khúc "Ngẫu hứng sông Hồng" của nhạc sĩ Trần Tiến, khác hoàn toàn phiên bản mà Thanh Lam từng hát trước đây. Ngay sau khi Hồng Nhung trình diễn "Ngẫu hứng sông Hồng" phiên bản mới với cách hát dữ dội, lối diễn quằn quại, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến viết trên facebook cá nhân: "Trưa nay vừa ngồi với Trần Tiến, hai chú cháu suýt khóc với hình ảnh chú bé theo cha dọc bờ sông trắng xóa trong bài "Ngẫu hứng sông Hồng". Tối xem Hồng Nhung gào thét, gõ mõ, dàn dựng như Kinh kịch, đeo mặt nạ, cả dàn nhạc ầm ĩ. Từ lối hát đến sân khấu đều hoàn toàn xa lạ với nội dung giản dị và mênh mang của ca khúc. Hy vọng chú ấy vẫn đang say rượu để khỏi phải buồn khi xem ca khúc của mình bị tanh bành như vậy…". Sau đó Hồng Nhung và ê kíp thực hiện bản phối mới ca khúc "Ngẫu hứng sông Hồng" có lý giải về ý tưởng thực hiện nhưng có vẻ đến nay cuộc tranh cãi vẫn chưa có hồi kết. Với nhiều khán giả, họ không thích "Ngẫu hứng sông Hồng" do Hồng Nhung thể hiện đơn giản vì họ không đồng tình cách Hồng Nhung gào thét trên sân khấu vì đó không phải là "chất" của cô.

Ngày 3-11 vừa qua, tại chương trình "Bài hát yêu thích tháng 11", nhiều ý kiến tập trung vào hai ca khúc được làm mới đó là "Sắc màu" của nhạc sĩ Trần Tiến do Phạm Anh Khoa thể hiện và "Không thể và có thể" của nhạc sĩ Phó Đức Phương do ca sĩ Trang Nhung biểu diễn. Nếu như Phạm Anh Khoa và ban nhạc P.A.K nhận được những phản hồi tích cực khi biến ca khúc "Sắc màu" đậm chất tự sự của nhạc sĩ Trần Tiến mang phong cách rock mạnh mẽ thì cô ca sĩ vùng Mỏ - Trang Nhung lại gây tranh cãi với ca khúc "Không thể và có thể" của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Cách hát của Trang Nhung không đặc biệt so với phiên bản Thanh Lam, Hồng Ngọc từng hát trước kia nhưng lối diễn xuất lên đồng có phần thái quá của cô đã tạo phản ứng ngược. Trang Nhung bị chê cũng bởi sự trình diễn quá đà này.

Từ trước đến nay, những thể nghiệm mới của nghệ sĩ, đặc biệt là với những tác phẩm âm nhạc đã rất quen thuộc luôn nhận được phản hồi khác nhau. Có điều, làm mới thế nào để ca khúc có được một đời sống âm nhạc mới chứ không phải trở thành "thảm họa" là điều rất khó. Nếu người nghệ sĩ chỉ làm mới ca khúc ở vẻ bề ngoài, bằng lối diễn xuất khác thường thay vì làm mới ở tư duy, thể loại âm nhạc phù hợp thì khó có thể thành công.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lạ chưa hẳn đã hay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.