Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỷ niệm 290 năm Ngày mất ông Tổ nghề rối nước Đào Thục

Nguyễn Thanh| 26/03/2022 17:29

(HNMO) - Ngày 26-3, tại huyện Đông Anh (Hà Nội), diễn ra Lễ kỷ niệm 290 năm Ngày mất ông Tổ nghề rối nước Đào Thục (1732-2022) Đào Tướng công Nguyễn Đăng Vinh.

Rối nước ở Đào Thục có tuổi đời 300 năm.

Sử sách ghi lại, nghề rối nước xuất hiện ở làng Đào Xá, nay là Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh cách đây 300 năm, nhờ công Đào Tướng công Nguyễn Đăng Vinh người làng Đào Xá truyền nghề, dạy dỗ. Ông là người tài giỏi, từng đỗ Thám hoa và được bổ nhiệm làm quan Tổng nội giám thuộc hàng quan Tam phẩm trong triều Lê. Khi còn đương chức, ông cho xây dựng lò đúc tiền đồng cho triều đình; tham gia cải cách quy hoạch ruộng đất để trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa.

Với tâm huyết của mình, ông đã thành lập các phường hội, như: Phường võ, phường thầy, phường thợ, phường cối (các phường này hiện không còn nữa) và đặc biệt là khai sinh ra phường Rối nước ở quê hương - một loại hình nghệ thuật dân gian, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng châu thổ sông Hồng, ra đời cùng nền văn minh lúa nước.

Nghệ thuật rối nước ở Đào Thục đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, đồng thời mang đến nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, cũng như không ít loại hình nghệ thuật dân gian khác, rối nước làng Đào Thục cũng trải qua không ít thăng trầm, có giai đoạn tưởng như mai một, cho đến năm 1984, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Múa rối thế giới và Tổ chức UNIMA (thuộc UNESCO), làng rối Đào Thục được Đoàn múa rối Hà Nội (nay là Nhà hát Múa rối Thăng Long) giúp từng bước phục hồi.

Dâng hương tưởng nhớ Ông tổ nghề rối nước Đào Thục.

Trong những năm qua, phường múa rối nước Đào Thục đã trở lại mạnh mẽ với đời sống đương đại, thông qua hàng nghìn buổi biểu diễn phục vụ các đoàn khách thập phương, hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, của thành phố và tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cùng với đó là hơn 100 buổi lưu diễn nước ngoài tại các nước, như: Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan… góp phần tôn vinh, quảng bá giá trị di sản văn hóa rối nước làng Đào Thục. Phường rối cũng tập trung cho công tác truyền dạy các thế hệ trẻ tiếp thu và gìn giữ loại hình nghệ thuật dân gian này, sáng tạo các vở diễn mới trên chất liệu truyền thống cũng như thông tin sử liệu quê hương.

Lễ kỷ niệm 290 năm Ngày mất ông Tổ nghề rối nước Đào Thục bao gồm các hoạt động dâng hương, tưởng nhớ công ơn người đã truyền dạy nghề rối cho quê hương; trình diễn rối nước phục vụ nhân dân địa phương và du khách… Đây cũng là dịp giáo dục truyền thống, tôn vinh giá trị di sản văn hóa cổ truyền; đồng thời, khích lệ, động viên con em quê hương Đào Thục chung tay gìn giữ vốn văn hóa cổ. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 290 năm Ngày mất ông Tổ nghề rối nước Đào Thục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.