(HNM) - Bộ Tài chính Thái Lan vừa điều chỉnh nâng dự báo tình hình kinh tế cho năm nay, cho rằng nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á (đứng sau Indonesia) sẽ giảm 7,7% thay vì 8,5% như ước tính trước đó. Sự khởi sắc này cho thấy các biện pháp kích thích mà Chính phủ Thái Lan đưa ra đang tác động tích cực tới quá trình hồi phục kinh tế của xứ Chùa vàng.
Việc nâng mức dự báo nói trên được thực hiện sau khi các chỉ số kinh tế tháng 9-2020 do Văn phòng Chính sách tài khóa Thái Lan (FPO) vừa công bố cho thấy sự cải thiện đáng kể so với tháng trước.
Động thái điều chỉnh này cũng phù hợp với quyết định gần đây của Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) với việc nâng triển vọng kinh tế cả năm lên mức giảm 7,8% so với dự báo giảm 8,1% đưa ra trước đó.
Dấu hiệu tích cực của kinh tế Thái Lan trong nửa cuối năm 2020 diễn ra khi các đối tác thương mại lớn của nước này bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19. Trong khi đó, các biện pháp kích thích của chính phủ khuyến khích chi tiêu công và chương trình thị thực du lịch đặc biệt đã thúc đẩy đà phục hồi cũng như cải thiện tiêu dùng nội địa.
Thái Lan là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á do đại dịch Covid-19 vì nguồn thu từ du lịch vốn chiếm tới 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Trong quý II-2020, nhiều hoạt động kinh tế tại Thái Lan đã bị đình trệ khi các quốc gia Đông Nam Á đều đóng cửa biên giới và thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Khoảng 1,8 triệu lao động cũng đang đứng trước nguy cơ mất việc làm.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Thái Lan còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc đồng nội tệ tăng mạnh. Từ quý II năm nay, đồng baht Thái đã tăng hơn 6%, trở thành đồng tiền tăng giá mạnh thứ hai tại châu Á.
Trong bối cảnh này, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra các gói kích thích kinh tế cũng như nhiều biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Trong gói kích thích trị giá 60 tỷ USD, nhà chức trách đã phát 300 tỷ baht (tương đương 9,6 tỷ USD) cho người dân để thúc đẩy tiêu dùng. Chính phủ cũng mở rộng các biện pháp ưu đãi thuế cho hàng triệu người thuộc nhóm thu nhập trung bình.
Đặc biệt, mới đây, Liên đoàn công nghiệp Thái Lan (FTI) đề xuất việc các ngân hàng thực hiện gia hạn các khoản nợ của doanh nghiệp nhỏ và vừa hết hạn vào cuối tháng 10-2020 thêm 2 năm.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho rằng, điều quan trọng nhất lúc này là giúp đỡ những người có thu nhập thấp trong khi duy trì đầu tư của Chính phủ và khu vực tư nhân vào các dự án sẽ tạo ra thu nhập ổn định trong tương lai.
Thái Lan cũng đã có nhiều giải pháp đồng bộ để dần vực dậy "ngành công nghiệp không khói". Nhằm kích cầu riêng lĩnh vực du lịch nội địa hậu Covid-19, nước này đã mạnh tay chi 22,4 tỷ baht (tương đương 720 triệu USD) để trợ giá khách sạn, vé máy bay cũng như hỗ trợ ăn uống và các dịch vụ được cung cấp tại các địa điểm du lịch cho hàng triệu du khách trong nước.
Bên cạnh đó, các đơn vị cảnh sát liên quan đến du lịch được yêu cầu hợp tác với các cơ quan nhà nước để chuẩn bị cho việc đón du khách nước ngoài đến Thái Lan theo diện thị thực du lịch đặc biệt. Theo đó, du khách quốc tế nếu đáp ứng các tiêu chí của chương trình, đồng thời vượt qua các cuộc kiểm dịch Covid-19 sẽ được cấp thị thực vào nước này. Dự kiến có khoảng 14.440 du khách sẽ đến Thái Lan theo diện trên và mang lại nguồn doanh thu khoảng 12,36 tỷ baht/năm.
Trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Thái Lan sẽ mất 2 năm để phục hồi thì các chuyên gia kỳ vọng rằng nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sẽ tăng trưởng trở lại trong quý II-2021 bởi các biện pháp kích thích của Chính phủ. Vì vậy, sự chuyển động đáng khích lệ vừa đạt được đang củng cố niềm hy vọng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.