(HNM) - Dù nền kinh tế Canada đã phục hồi sau cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, song vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ lạm phát tăng cao và những bất ổn kinh tế toàn cầu bắt nguồn từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Nhiều dự báo cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xứ sở Lá phong có thể chậm lại đáng kể trong năm nay, thậm chí rơi vào suy thoái.
Theo báo cáo của Ngân hàng trung ương Canada (BoC), nền kinh tế nước này sẽ rơi vào trạng thái đình trệ trong nửa đầu năm 2023 và không loại trừ khả năng suy thoái nhẹ. Tương tự với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, vốn đang chịu tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine cùng với các lệnh trừng phạt mà Nga và các nước phương Tây đáp trả lẫn nhau, tăng trưởng tại Canada bị kiềm chế bởi chính sách thắt chặt tiền tệ để ngăn chặn đà lạm phát lên cao. Trong bối cảnh như vậy, Canada đã may mắn thoát khỏi tình trạng suy thoái cuối năm 2022 nhờ thị trường việc làm phục hồi mạnh mẽ, tăng đầu tư kinh doanh, nhu cầu đối với các dịch vụ được giải phóng sau khi các hạn chế trong giai đoạn ứng phó đại dịch Covid-19 được gỡ bỏ. Tuy nhiên, hệ lụy do cuộc khủng hoảng năng lượng cùng giá cả tiêu dùng gia tăng buộc BoC phải duy trì lãi suất ở mức cao. Điều này buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, mức độ tiêu dùng giảm, dẫn đến nguy cơ giảm phát kinh tế gia tăng.
Số liệu thống kê gần đây cho thấy, việc BoC nhiều lần tăng lãi suất cơ bản và đưa tỷ lệ này lên 4,5%, mức cao nhất kể từ năm 2007, để thu hút dòng tiền từ thị trường, tỷ lệ lạm phát ở Canada dù đã giảm so với mức đỉnh 8,1% ghi nhận vào giữa năm ngoái nhưng vẫn ở mức 5,9% vào tháng trước. Nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ông Alvaro Pereira nhận định, Canada đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức trong việc giải quyết lạm phát mà không làm suy yếu hoạt động kinh tế. Chính sách tài chính và tiền tệ cần phải được điều chỉnh song song để giảm bớt áp lực lạm phát trong khi chính phủ củng cố tài chính công. Trong bối cảnh đó, chính phủ còn phải có nhiều giải pháp để tăng cường năng suất thông qua việc loại bỏ các rào cản đối với thương mại và cạnh tranh.
Việc Chính phủ liên bang của Thủ tướng Justin Trudeau phải hạn chế chi tiêu không chỉ do áp lực lạm phát và khó khăn kinh tế mà còn từ thực trạng thâm hụt ngân sách đã kéo dài nhiều năm qua. Theo dự báo gần đây nhất, thâm hụt liên bang dự kiến sẽ vào khoảng 36,5 tỷ đô la Canada (CAD) trong năm tài chính 2022-2023. Mặc dù con số này thấp hơn đáng kể so với mức thâm hụt 90,2 tỷ CAD trong tài khóa 2021-2022, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo chậm lại, ngân sách của chính phủ sẽ có nguy cơ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Hiện, Chính phủ liên bang Canada đang cố gắng điều chỉnh chi tiêu trong dự toán ngân sách liên bang năm 2023 để công bố vào ngày 28-3 tới. Dự kiến, trong dự toán ngân sách liên bang 2023 sẽ có nội dung về thỏa thuận tài trợ chăm sóc sức khỏe trị giá 196 tỷ CAD vừa được hoàn tất với các tỉnh và những biện pháp nhằm tăng cường năng lực cho các công ty Canada trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều thách thức bởi thị trường cạnh tranh toàn cầu. Trong đó, thỏa thuận tài trợ chăm sóc sức khỏe sẽ cung cấp 2 tỷ CAD cho các tỉnh và vùng lãnh thổ để tăng cường chi trả đối với Hệ thống thanh toán chuyển khoản y tế nhằm giải quyết tình trạng tồn đọng hay quá tải bệnh nhi trong bệnh viện. Ngoài ra, các công ty sẽ được hỗ trợ để đối phó với những tác động tiêu cực của Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ được đưa ra hồi năm ngoái...
Nhiều chuyên gia tài chính lo ngại, gói hỗ trợ này sẽ đẩy thâm hụt ngân sách dự kiến lên đến 49,1 tỷ CAD trong tài khóa 2022-2023. Điều này khiến gánh nợ thêm chồng chất trong bối cảnh nợ quốc gia của Canada đã tăng từ 628,9 tỷ CAD năm 2015 lên 1.100 tỷ CAD vào năm 2022. Các khoản chi tiêu lớn sẽ tiếp tục nới rộng lỗ hổng ngân sách và khiến nền kinh tế càng thêm lung lay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.