Thế giới

Kinh tế Canada:Đối mặt với nhiều nguy cơ

Quỳnh Dương 02/03/2024 - 07:37

Dù bất ngờ vượt qua nỗi lo suy thoái vào cuối năm 2023, song nền kinh tế Canada vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi lãi suất cao đè nặng lên người dân và doanh nghiệp, tình trạng lạm phát vẫn có khả năng gia tăng trở lại, nợ tiêu dùng đang ở mức kỷ lục, căng thẳng trong lĩnh vực nhà ở chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”... Những yếu tố này khiến "bức tranh" kinh tế Canada trong năm 2024 khó có thể khởi sắc.

ca-na-da.jpg
Người tiêu dùng mua sắm tại một khu chợ ở Ontario, Canada.

Ngày 1-3, cơ quan Thống kê Canada cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong 3 tháng cuối năm 2023 đã tăng hơn so với kỳ vọng của các nhà kinh tế, đạt mức 1,1% nhờ sự trợ giúp từ xu hướng chi tiêu mạnh mẽ của Mỹ, qua đó thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Canada. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này vẫn là con số khiêm tốn nhất kể từ năm 2016 không kể những năm đại dịch Covid-19.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Montreal (BMO), ông Douglas Porter cho biết, tốc độ tăng trưởng vẫn còn yếu. Lãi suất cao đã gây khó khăn cho việc cân đối tài chính của người dân Canada khi Ngân hàng Trung ương (BoC) vẫn giữ lãi suất cơ bản ở mức 5%, mức cao nhất kể từ năm 2001. Các hộ gia đình tiếp tục gia hạn những khoản thế chấp của họ với lãi suất cao hơn. Điều này đang gây ra sự sụt giảm trong chi tiêu của người dân và doanh số bán hàng của các doanh nghiệp cũng chậm lại.

Theo báo cáo mới nhất, trong quý IV-2023, tổng số nợ tiêu dùng của người dân nước này đã đạt mức 2.400 tỷ CAD (khoảng 1.473 tỷ USD), tăng gần 3%, mức tăng kỷ lục. Khoảng 92% số người sử dụng tín dụng đều có dư nợ, tăng 3,7% so với năm ngoái. Nguyên nhân là do người nhập cư thúc đẩy thị trường tín dụng tiêu dùng tăng. Số lượng người mới đến Canada mở tài khoản tín dụng lần đầu tiên đã tăng 46% trong khoảng thời gian một năm (2022-2023). Do đó, thanh toán bằng thẻ tín dụng đã tăng 11%, cho vay mua ô tô tăng 6% và hạn mức tín dụng tăng 13%.

Nhưng lãi suất cao và lạm phát đã khiến nhiều người Canada phải gánh những khoản nợ cá nhân ở mức chưa từng thấy. Trong khi đó, các khoản thanh toán tối thiểu hằng tháng cũng đang gia tăng, với thông báo thế chấp trung bình tăng 12% trong năm qua. Con số dư nợ dự kiến sẽ tăng lên khi những người mới đến có thẻ định cư lâu dài.

Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay của nền kinh tế Canada là thị trường bất động sản. Giá thuê tăng cao do thiếu nhà ở và các khoản thanh toán lãi thế chấp ngày càng tăng do lãi suất cao hơn. Tình trạng thiếu nhà ở của Canada sẽ phải mất nhiều năm để giải quyết, với sự tham gia của tất cả các cấp từ chính quyền và doanh nghiệp. Chính hành động thắt chặt tiền tệ của BoC đang làm trầm trọng hơn vấn đề này, vì khi chủ nhà gia hạn các khoản thế chấp, khoản thanh toán của họ sẽ bị tăng lên do lãi suất đã cao hơn.

Ở giai đoạn ngắn hạn, những chính sách của BoC sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến trạng thái kinh tế của xứ sở Lá phong, quyết định việc nền kinh tế nước này sẽ "hạ cánh mềm" hay suy thoái trong năm 2024. Dựa trên các chỉ số kinh tế trong nước và bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu bắt đầu chuyển hướng sang giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ, các thị trường dự đoán BoC có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới, với mức giảm 25 điểm phần trăm. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc duy trì lãi suất cao cho đến hết quý II-2024 có nguy cơ gây ra sự trì trệ và khiến nền kinh tế Canada rơi vào suy thoái một cách không cần thiết. BoC nên bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 4 và sẽ thực hiện động thái này ít nhất 4 lần, với mỗi lần 0,25 điểm phần trăm, để đưa lãi suất về 4%, trong năm 2024.

Khó khăn của BoC hiện nay là lạm phát của Canada đang duy trì ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 8% của năm 2022. BoC mong muốn đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, song đã xuất hiện dấu hiệu tăng giá trở lại khiến cho thời điểm hạ lãi suất khó có thể đẩy lên sớm.

Ngoài ra, theo nhận định của các nhà kinh tế, những thách thức mà đất nước này phải đối mặt trong những năm tới đó là: Đối phó với biến đổi khí hậu, khắc phục các vấn đề chăm sóc sức khỏe, xây dựng lại cơ sở hạ tầng đang xuống cấp, ứng phó với diễn biến phức tạp của an ninh toàn cầu, tình trạng dân số già. Tất cả những điều đó đòi hỏi nền kinh tế Canada phải hoạt động hiệu quả hơn nhiều so với hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Canada: Đối mặt với nhiều nguy cơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.