Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến tạo “thư viện” nhà ở nông thôn

An Nhi| 23/06/2019 08:58

(HNM) - Trong những năm qua, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Việt Nam.

Xanh, đẹp, dễ ứng dụng

Cuộc thi thiết kế kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” do Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) và Diễn đàn Mái đẹp nhà sang lần đầu tổ chức, đã khép lại thành công vào giữa tháng 6 vừa qua. Ban Tổ chức đã chọn được 20 thiết kế xuất sắc trong 184 bài dự thi và trao 12 giải thưởng.

Các tác giả được trao giải tại cuộc thi thiết kế kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam”.


Đoạt giải Nhất đồng thời giành giải Thiết kế được yêu thích nhất do cộng đồng bình chọn là thiết kế nhà ở tại xã Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) của tác giả Phan Công Hùng. Tác giả đã dành 3 tháng để nghiên cứu thực trạng nhà ở tại vùng đất nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống của Hà Nội này. “Thực tế, những ngôi nhà nông thôn cũ đã không bảo đảm công năng trong đời sống hiện đại, nhưng thay đổi, cải tiến sao cho phù hợp với lối sống ngày nay mà không mất đi đặc trưng làng quê đồng bằng Bắc Bộ là trăn trở không chỉ của riêng tôi”, tác giả Phan Công Hùng chia sẻ.

Tác giả đã thiết kế ngôi nhà có mặt bằng hình chữ L phỏng theo kiến trúc truyền thống, gồm các không gian chung là phòng sinh hoạt chung, bếp, sân rộng đón nắng thích hợp cho công việc làm hương và dành nhiều không gian khép kín để tạo sự riêng tư cho người sử dụng. Hệ thống thông gió và ánh sáng được thiết kế tận dụng từ thiên nhiên, dùng vì kèo thép có chi phí thấp, dễ thi công. Công trình sử dụng gạch không nung, hệ thống thép, tôn có thể tái chế làm giải pháp kiến trúc xanh.

Kiến trúc sư Ngô Tuấn Anh đang xây dựng nhà ở cho chính gia đình mình tại xã Hợp Tiến (Đông Hưng, Thái Bình) trên khu đất khá đặc trưng của người dân đồng bằng Bắc Bộ. Tác giả cho biết đã lấy ý tưởng từ kiến trúc nhà ba gian truyền thống, nhưng thiết kế liên thông để giảm diện tích xây dựng hành lang. Ngôi nhà gồm hai tầng, hình khối đơn giản, vuông vắn, hài hòa với khung cảnh, có không gian chung và không gian riêng khép kín cho từng thành viên của gia đình từ 2 đến 3 thế hệ. Nhà sử dụng vật liệu đơn giản, dễ tìm là bê tông cốt thép, gạch, ngói, gỗ (có thể thay thế bằng vật liệu kim loại chi phí thấp hơn)… Giải pháp này được Hội đồng giám khảo đánh giá cao, vì vừa bảo đảm thẩm mỹ, vừa mang tính ứng dụng cao.

Với thiết kế nhà 2 khối, một khối chính xây kiên cố và một khối nổi bằng vật liệu nhẹ, lắp phao phía dưới để ở khi ngập lụt, mô hình nhà ở tại miền Tây Nam Bộ của Viện Nghiên cứu tiêu chuẩn và thiết kế điển hình hóa xây dựng (Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng) đã khắc phục được tình trạng nhà tạm bợ của người dân nơi đây. Thiết kế được trao giải Đặc biệt, bởi khả năng hỗ trợ người dân và có thể ứng dụng tốt ở khu vực ngập lụt.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc, thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi cho biết, nhà ở nông thôn cần những thiết kế phù hợp với đời sống hiện đại mà vẫn giữ nét đặc trưng truyền thống địa phương, có chi phí hợp lý, thân thiện với môi trường...

Chung tay tạo nguồn thiết kế nhà ở

Nhà ở nông thôn mới là vấn đề “nóng”, cấp thiết và có trách nhiệm của giới kiến trúc sư. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn chia sẻ: “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn không chỉ là việc giải quyết vấn đề kỹ thuật, không gian sống cá nhân, mà còn là sự góp sức để xây dựng lối sống ở nông thôn trong xã hội hiện đại. Nhiệm vụ của giới kiến trúc là phải sáng tạo để làm cho lối sống đó văn minh, hiện đại nhưng vẫn đậm bản sắc. Cuộc thi này đã thu hút được hàng nghìn kiến trúc sư. Đó là tín hiệu tốt cho sự phát triển của kiến trúc nhà ở nông thôn trong tương lai”.

Tuy nhiên, kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn cho rằng, các thiết kế được thẩm định, đánh giá tốt cần được phổ biến rộng rãi đến người dân nông thôn, đồng thời có sự chung tay của nhiều đơn vị thiết kế, nhà thầu để biến các thiết kế trên thành hiện thực. “Phải “mắt thấy, tai nghe” thì người dân mới biết được chúng hữu dụng”, kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn khẳng định.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Võ Minh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam - đơn vị đồng hành với cuộc thi cho rằng, cuộc thi khép lại nhưng mở ra một hành trình mới, đó là sự chung tay đưa thiết kế vào cuộc sống và đặc biệt là kiến tạo một “thư viện” mẫu thiết kế kiến trúc để người dân nông thôn tham khảo. “Người dân phải cóp nhặt thiết kế, hoặc xây dựng nhà ở với nhiều nhược điểm là do chưa có bộ sưu tập thiết kế để họ học tập.

Hiện tại, nhiều người ở nông thôn đã tiếp cận với hệ thống internet, mạng xã hội thường xuyên, nên việc xây dựng “thư viện” điện tử, đưa các thiết kế nhà ở nông thôn phù hợp, có bản vẽ chi tiết, dễ đọc, dễ hiểu, sẽ tăng khả năng tiếp thu, ứng dụng của người dân cho ngôi nhà của mình. Tôi tin chắc, khi đó nhà ở nông thôn Việt Nam sẽ nhanh chóng được định hình, vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc”, ông Võ Minh Nhựt bày tỏ.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thông cho biết, cuộc thi sẽ tiếp tục được tổ chức để bổ sung nguồn thiết kế nhà ở nông thôn mới cho người dân tham khảo, ứng dụng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiến tạo “thư viện” nhà ở nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.