Nhà báo, kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng dành nhiều tình yêu và tâm huyết cho Thủ đô. Suốt hàng chục năm, dù làm việc ở đâu, ông vẫn luôn hết mình góp sức vào sự phát triển của các đô thị nói chung, Hà Nội nói riêng.
Ông cũng vui khi nhiều đồng nghiệp, nghệ sĩ gọi ông là “người hát rong về kiến trúc”, hay “ông thủ đền ở Hội Kiến trúc sư Việt Nam”.
1. KTS Phạm Thanh Tùng là người giản dị. Với tôi, ông còn là một người thầy. Khi cần xin ý kiến về các vấn đề quy hoạch, kiến trúc đô thị, văn hóa, tôi luôn được ông sẵn sàng chia sẻ, khi thì ở căn phòng ông vẫn hằng làm việc, khi thì ở một quán bia bình dân nào đó. Câu chuyện cứ thế thêm gần gũi, thêm sâu.
KTS Phạm Thanh Tùng kể, những năm 1950, 1960, gia đình ông sống trên tầng hai ngôi nhà có kiến trúc kiểu Pháp ở đầu phố Trần Phú, ngay sát đường tàu hỏa. Ngày cũng như đêm chẳng mấy khi vắng tiếng còi tàu. Phố xá Hà thành đã bồi đắp bao nhiêu kỷ niệm, ký ức để sau này lớn lên, ông càng thêm yêu và muốn góp sức mình xây dựng văn hóa, kiến trúc đô thị. Ông tâm sự: “Năm tháng trôi đi, gia đình tôi cũng chuyển nhà, không ở phố Trần Phú nữa. Thế nhưng, kỷ niệm về con phố thơm mùi hoa sấu cùng những tiếng rao đêm ngày càng sâu đậm trong tôi. Bây giờ, khi đã qua tuổi tri thiên mệnh, yên phận với cuộc đời, có một mái nhà giản dị của riêng mình, tôi vẫn thường lang thang trên những con phố thân quen của Hà Nội mỗi khi rảnh rỗi, để tìm lại kỷ niệm một thời”.
KTS Phạm Thanh Tùng sinh năm 1949, quê gốc Hưng Yên, sống và làm việc tại Hà Nội. Ông là con trai nhà thơ Xuân Thiêm - thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Là con nhà thơ, từ nhỏ, ông may mắn được tiếp xúc, lắng nghe những câu chuyện của nhiều nhà thơ, nhà văn cùng thời với cha mình như Thanh Tịnh, Nguyễn Khải, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng..., các họa sĩ Mai Văn Hiến, Phạm Thanh Tâm... Bởi thế, chất văn nghệ “ngấm” vào ông và hun đúc nên niềm đam mê mạnh mẽ với lĩnh vực kiến trúc, đô thị và cả văn chương, báo chí. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp Trường Văn hóa quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, ông vào học khoa Đô thị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; năm 1969 ông chuyển sang học Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (lúc này mới thành lập).
Nhờ tâm huyết truyền thụ của các KTS thế hệ đầu tiên tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương như Tạ Mỹ Duật, Ngô Huy Quỳnh, Trần Hữu Tiềm, Khổng Toán..., KTS Phạm Thanh Tùng có được nền tảng tốt để có cái nhìn sâu sắc hơn về kiến trúc. Ra trường năm 1972, ông tham gia thiết kế, phục hồi Nhà máy Điện Hàm Rồng (Thanh Hóa), Nhà máy Điện Bến Thủy (Nghệ An)... và một số công trình kiến trúc khác. Trong quá trình làm việc, ông nghiệm ra nhiều điều. “Nghề của KTS liên quan đến xã hội. Nó làm thay đổi nhận thức của con người, khiến con người sống tốt hơn, hạnh phúc hơn và vì thế, mỗi công trình kiến trúc cần phải mang cả thông điệp về văn hóa, đặc biệt là KTS cần phải trân trọng giá trị di sản văn hóa của dân tộc” - ông chia sẻ.
2. Sau nhiều năm công tác chuyên sâu nơi các công trình, công trường, năm 1982, ông Tùng về công tác tại Hội Kiến trúc sư Việt Nam, góp phần xây dựng Tạp chí Kiến trúc của Hội. Năm 1987, ông được cử sang Liên Xô (cũ) công tác và năm 1990 về Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc. Sau đó, Bộ Xây dựng muốn thành lập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam thuộc Bộ, KTS Phạm Thanh Tùng được mời làm cố vấn xây dựng tờ tạp chí này. Từ đó đến năm 2008, ông giữ nhiều cương vị khác nhau trong hệ thống báo chí của Bộ Xây dựng. Thời điểm công tác tại Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng vẫn tham gia nhiều hội đồng phản biện, đóng góp ý kiến về quy hoạch, xây dựng của một số bộ, ngành... Ông luôn có cái nhìn đa chiều, thấy được cả sự tích cực và hạn chế của kiến trúc, của KTS trong quá trình đô thị hóa. Từ đó, ông góp ý cho cơ quan chức năng, nhằm kiến tạo diện mạo đô thị - nông thôn nước ta theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc.
KTS Phạm Thanh Tùng là hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Ông nguyên là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Xây dựng, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam (Bộ Xây dựng) và hiện là Ủy viên Ban Thường vụ, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Ông đã vinh dự nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Kiến trúc Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam...
3. Khoảng 20 năm gần đây, ông viết nhiều hơn khi chứng kiến Hà Nội đổi thay rất nhiều, rộng hơn, diện mạo kiến trúc đô thị hiện đại hơn với muôn vàn ngôi nhà cao mọc lên san sát. Song ông cũng trăn trở: “Bên cạnh những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đạt được thì công tác quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị của thành phố vẫn còn nhiều bất cập. Chúng ta xây dựng nhiều nhưng ít công trình kiến trúc đẹp mang tầm thời đại. Đường phố mở rộng, hiện đại nhưng nhiều đoạn, nhiều tuyến phố lại không khang trang bởi công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, vỉa hè bị lấn chiếm, những công trình xây dựng lộn xộn, sai phép và không phép...”.
Kết quả của những năm tháng làm nghề, suy tư là hàng trăm bài báo phân tích với góc nhìn trực diện, thực tế. Mới đây, ông xuất bản cuốn sách “Kiến trúc, một góc nhìn”, gồm 61 bài được lựa chọn trong hàng trăm bài, được bố cục thành ba chương: Chương I - "Hà Nội trong tôi", chương II - "Kiến trúc và Xã hội", chương III - "Kiến trúc và Phê bình kiến trúc". Nhiều bài đã được đăng trên các báo, tạp chí. Có thể nói, cuốn sách đã chắt lọc kinh nghiệm 50 năm làm việc, hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc của ông, đồng thời phản ánh trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và tình yêu của ông đối với Hà Nội, quê hương và đất nước. Qua đó, ông muốn chia sẻ cùng bạn đọc một khát vọng cháy bỏng rằng kiến trúc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh sẽ luôn rạng rỡ, tự hào sánh vai cùng kiến trúc thế giới với vị thế riêng, độc đáo, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh đã viết trong lời giới thiệu: “61 bài viết trong tập sách cho ta cảm nhận được cái đẹp của Hà Nội xưa, văn hóa của Hà Nội xưa... đã in sâu vào lòng tác giả, để bất kể sự thay đổi trong sự phát triển của Hà Nội ngày nay hay những cái tồn đọng của Hà Nội cũ đều làm tác giả có những suy nghĩ, trăn trở để có những góp ý, phê bình, phản biện và xây dựng thông qua những bài viết với một góc nhìn của người KTS yêu Hà Nội”.
Sinh thời, nhà văn Băng Sơn đã dành cho Phạm Thanh Tùng sự trân trọng: “Phạm Thanh Tùng là người hát rong về kiến trúc”. Cũng bởi, KTS Phạm Thanh Tùng luôn bám sát đời sống, yêu thắm thiết những ngõ phố, con đường, hàng cây của Hà Nội. Ông tình nguyện làm người hát rong để kể lại những gì mình nhìn thấy và cảm nhận về kiến trúc, những biến đổi sâu sắc về kiến trúc đô thị nói chung, Thủ đô nghìn năm văn hiến nói riêng. Và, với tình yêu Hà Nội, KTS Phạm Thanh Tùng sẽ còn tiếp tục rong ruổi, lắng nghe từng nhịp thở phố phường, mỗi vóc nhà, dáng cây... để từ đó chung tay cho nền kiến trúc phát triển, góp phần xây dựng thành phố văn minh, văn hiến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.