AI sẽ mang lại những giải pháp mới từ mô phỏng dữ liệu lớn để dự đoán xu hướng quy hoạch, tự động hoá thiết kế kiến trúc và hỗ trợ xây dựng các thành phố thông minh.
Toạ đàm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong kiến trúc và quy hoạch được Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức chiều 28-11.
TS. KTS Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội chia sẻ, trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành công nghệ mũi nhọn, dẫn dắt các ngành công nghiệp và dịch vụ toàn cầu. Đối với kiến trúc và quy hoạch, AI cũng đã mang lại những bước tiến vượt bậc.
Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hoá nhanh đặt ra không ít vấn đề cấp bách, như làm thế nào để quy hoạch hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dân số và bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá và giá trị lịch sử. Và quan trọng hơn là làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa tăng trưởng và phát triển bền vững.
Nội dung toạ đàm tập trung vào 4 chuyên đề: Tổng quan về AI và ứng dụng trong thiết kế kiến trúc; kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng AI trong các dự án hạ tầng đô thị quy mô lớn và những tiếp cận bước đầu của các công ty tư vấn lớn Việt Nam; kinh nghiệm trong nước về ứng dụng AI trong lập hồ sơ thiết kế xin phép xây dựng và quản lý đô thị...
“AI sẽ mang lại những giải pháp mới từ mô phỏng dữ liệu lớn để dự đoán xu hướng quy hoạch, tự động hoá trong thiết kế kiến trúc và hỗ trợ xây dựng các thành phố thông minh, nơi mà chất lượng sống của con người được đặt lên hàng đầu”, TS. KTS Nguyễn Văn Hải nêu.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, TS Trần Vũ Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kiến trúc lập phương CUBIC thông tin, những công việc lặp đi lặp lại, đứt gãy dữ liệu sẽ khó tái sử dụng dữ liệu quá khứ cho dự án mới. Nếu ứng dụng AI, máy tính sẽ hỗ trợ giúp thu ngắn từ 1/100 đến 1/1.000 thời gian làm hiện tại.
Công ty TNHH dịch vụ giải pháp SOS đã xây dựng AI trong quản lý, cấp phép xây dựng. Năm 2024, Công ty thí điểm chụp ảnh bằng thiết bị bay trên địa bàn 2 phường Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (quận Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) với quy mô 22km, phát hiện ra gần 20.000 vi phạm so với quy hoạch, giấy phép xây dựng.
Ngoài ra, ứng dụng BIM (Building Information Modeling), là quy trình tiên tiến dựa trên các mô hình 3D kỹ thuật số, sử dụng xuyên suốt vòng đời của một dự án thiết kế, hạ tầng và xây dựng, đã được ứng dụng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.