(HNM) - Ngày 11-11-2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố về kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành năm 2019.
Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất, có liên quan và được doanh nghiệp ủng hộ là yêu cầu chấm dứt thanh tra chồng chéo, trùng lặp; chỉ tập trung thanh tra những vấn đề gây bức xúc dư luận, các hành vi vi phạm pháp luật... Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm tra bảo đảm không để xảy ra tình trạng quá một lần đối với doanh nghiệp.
Đây là sự chỉ đạo rất đáng ghi nhận của một bộ trong công tác quản lý chuyên ngành.
Bởi lẽ, về phía các đơn vị sản xuất, kinh doanh - điều mong ước lớn nhất không gì khác là được giảm gánh nặng cũng như sự phiền hà khi phải đón tiếp quá nhiều lượt đoàn đến thanh tra, kiểm tra với những yêu cầu riêng (mà trong đó, đáng nói - một số nội dung kiểm tra chồng chéo, hoặc không thiết thực đối với yêu cầu của công tác quản lý). Thậm chí có doanh nghiệp phàn nàn khi phải đón tiếp tới 6 đoàn kiểm tra mà nội dung đề cập không khác nhau nhiều.
Về phía cơ quan quản lý, việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 20-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp sau hơn một năm đi vào cuộc sống tuy đã tạo ra những thay đổi bước đầu, song chưa hẳn đã thật sự đạt được tinh thần mang tính nguyên tắc của Thủ tướng yêu cầu là "khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hằng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp".
Vì vậy, sự chỉ đạo kiên trì và kiên quyết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cần thiết và rất đáng ghi nhận. Động thái này vừa thể hiện sự mẫu mực của ngành mình, vừa tạo sự kích thích thêm nhiều ngành khác cùng hiện thực hóa hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhất là khi những tín hiệu từ sự đổi mới này đã thể hiện rõ giá trị tích cực. Đơn cử như, trong một năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giảm hơn 90% số lô hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ phải kiểm tra trước thông quan.
Những bước đi tích cực của các bộ, ngành như kể trên sẽ giúp doanh nghiệp giải tỏa nỗi lo, góp phần xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi; tạo sự phát triển hiệu quả và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.